Nhiều thách thức
Mặc dù đánh giá, trong thời gian qua, công tác quy hoạch đã đạt được những kết quả quan trọng, chất lượng công tác quy hoạch được cải thiện đáng kể, song với những kết quả đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẳng định, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa đạt được yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 11/NQ-CP.
“Tính theo số lượng các quy hoạch đã được thẩm định và phê duyệt, mới chỉ khoảng 10% số lượng quy hoạch thuộc quy hoạch quốc gia được hoàn thành dự thảo, đang phê duyệt và ban hành. Như vậy, khối lượng công việc cần được hoàn thành trong năm 2022 là rất lớn” - Đại diện Vụ Quản lý Quy hoạch (Bộ KH&ĐT) khẳng định.
Đặc biệt, việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp với nội dung cơ bản là lập thống nhất một quy hoạch trên một địa bàn tỉnh, tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực tạo ra nhiều thách thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quy hoạch.
Mặt khác, việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là quy hoạch cấp dưới được lập khi quy hoạch cấp trên chưa được ban hành, do việc thách thức là bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống của các quy hoạch, để quy hoạch cấp dưới cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển và giải pháp của quy hoạch cấp trên.
Đặc biệt, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, các đơn vị tư vấn không tiếp cận được thực địa để khảo sát, nghiên cứu và lập quy hoạch. Ngoài ra, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất cho công tác quy hoạch chưa được hoàn thiện.
Cần khẩn trương, quyết liệt
Theo lãnh đạo Vụ Quản lý Quy hoạch (Bộ KH&ĐT), việc nhanh chóng lập và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển của đất nước, từng ngành, từng vùng và từng địa phương trong giai đoạn tới, cần phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của tất cả các cấp, các ngành.
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 nêu rõ mục tiêu: Phấn đấu cơ bản hoàn thành phê duyệt trong năm 2022 các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mốc thời gian cụ thể được đặt ra là phải hoàn thành việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch trước ngày 31/12/2022.
Để đáp ứng được tiến độ đặt ra, theo lãnh đạo Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ KH&ĐT, các bộ và địa phương cần triển khai quyết liệt việc tổ chức lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 thuộc thẩm quyền, trình phê duyệt trước 31/12/2022, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành tiến độ lập quy hoạch; đồng thời, không trình phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 khi chưa thực sự cần thiết, để không ảnh hưởng tới quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tăng cường chia sẻ thông tin; xác định rõ hơn mục tiêu phát triển và định hướng phân bổ, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực phát triển; tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng với điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trong quá trình lập quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; kết hợp hài hòa kinh nghiệm quốc tế với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, giữa kiến thức, kinh nghiệm của cả cán bộ quản lý với năng lực của đơn vị tư vấn lập quy hoạch.
Cũng theo lãnh đạo Vụ Quản lý quy hoạch, nhằm khắc phục hạn chế do có những văn bản pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Quy hoạch gây ra, việc khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản này là cần thiết. Theo đó, các bộ có liên quan khác cần khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Quy hoạch để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc dừng thi hành nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 liên quan đến đất đai, tài nguyên nước, điện lực, cụm công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng và phương án đổi mới sáng tạo trong nội dung quy hoạch tỉnh theo hướng không làm phát sinh thủ tục hành chính và đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về quy hoạch, dễ triển khai thực hiện.
Cùng với đó, cần khẩn trương xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch nhằm cung cấp thông tin đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch; đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quy hoạch; nâng cao vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân khi tham gia các hoạt động giám sát, đánh giá và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Tháng 10/2022 trình Quốc hội Quy hoạch tổng thể quốc gia
Chủ trì Hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học về Báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hôm 22/2, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2022.
Đây là Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định tại Luật Quy hoạch 2017 với mục tiêu tổng quát là: Kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội hài hoà, môi trường có chất lượng tốt, trong lành và an toàn.
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) Trần Hồng Quang, trong khi các nguồn lực dành cho phát triển có hạn, trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển. Do vậy, trong định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia dự kiến tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực. Cụ thể, về phát triển các hành lang kinh tế, sẽ tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam và các hành lang kinh tế Đông – Tây. Trên cơ sở 4 vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, quy hoạch sẽ lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực của quốc gia.
“Sau khi xác định các hành lang kinh tế ưu tiên, các vùng động lực; cần bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mạng lưới kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, phát triển các vùng gắn với các hành lang kinh tế và hình thành, phát triển các vùng động lực”- Đại diện Bộ KH&ĐT cho hay.