Phát biểu tại Hội nghị, ông Lương Ngọc Khuê cho biết, cả nước có 8 cơ sở đào tạo chuyên môn BS định hướng y học gia đình, hàng ngàn BS được cấp chứng chỉ hành nghề BSGĐ trên cả nước. Tuy nhiên cho đến nay có đến hơn 50% BSGĐ do thời gian đào tạo ngắn nên chưa hiểu và chưa thực hiện được KCB theo nguyên lý y học gia đình.
Trong khi đó, một số nơi triển khai phòng khám BSGĐ nhưng BS lại chưa được đào tạo, tập huấn về chuyên ngành y học gia đình. Các chức danh khác như điều dưỡng, kỹ thuật viên làm việc tại các phòng khám BS gia đình chủ yếu là kiêm nhiệm và chưa được đào tạo về chuyên ngành y học gia đình...
Bên cạnh đó, mạng lưới phòng khám BSGĐ còn tồn tại nhiều hạn chế như: chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám BSGĐ với hệ thống Bệnh viện; chưa xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe, bệnh án điện tử; việc thanh toán bảo hiểm y tế của mô hình phòng khám BSGĐ còn gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là người dân vẫn chưa hiểu về mô hình phòng khám BSGĐ nên vẫn chưa tin tưởng, chưa tìm đến để KCB.
Bà Anne Lange (Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie – Bruxelles, Bỉ tại Việt Nam) cho rằng nếu Việt Nam phát triển mạnh mạng lưới BSGĐ trên toàn quốc sẽ góp phần giảm được tình trạng quá tải tại các bệnh viện hiện nay và làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe của người dân.
Vì thế, “xác định mô hình BSGĐ là rất quan trọng trong sự phát triển của ngành Y tế, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục khắc phục những hạn chế, phát huy những kết quả đã đạt được để nhân rộng và phát triển mô hình này trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho từng cá nhân, gia đình và cộng đồng; góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện” - ông Khuê chia sẻ.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 80% các tỉnh, TP có triển khai mô hình BSGĐ./.