Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình biểu dương, đánh giá cao những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được trong năm 2019. Qua đó, đã làm thay đổi diện mạo bức tranh kinh tế của địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được quan tâm, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình phát triển mà tỉnh cần sớm khắc phục thời gian tới. Trong đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp; tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu; việc gắn kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để hình thành các chuỗi giá trị còn gặp nhiều khó khăn.
Các chỉ số phản ánh năng lực cạnh tranh của tỉnh thiếu tính ổn định, chưa thu hút được nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp phụ trợ, phục vụ chuỗi sản xuất, công nghệ cao.
Những vi phạm quy định pháp luật trong quản lý đất đai, khai thác, vận chuyển tài nguyên, khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở một số địa phương; nhiều dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng triển khai chậm.
Định hướng nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong năm 2020, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh cần tận dụng những cơ hội mới của đất nước, khai thác tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế riêng, đặc thù của tỉnh; tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025.
Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của vùng, quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế.
Phó Thủ tướng Thường trực mong muốn Thanh Hoá cần thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội về giáo dục, y tế, hạ tầng, thông tin nhằm không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế.
Kết hợp giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; giải quyết kịp thời các vấn đề và vụ việc phức tạp liên quan an ninh trật tự, không để trở thành “điểm nóng”, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội. Nếu không giải quyết được các vấn đề bức xúc của nhân dân sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển của địa phương.
Chính quyền các cấp quan tâm, dành thời gian thích hợp để chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở, không để khiếu nại vượt cấp, đặc biệt là các khiếu nại, tranh chấp đất đai.
“Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, có cơ chế thông thoát, cởi mở để thu hút doanh nghiệp trong nước và FDI có năng lực tài chính, công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, thân thiện với môi trường đến đầu tư, sản xuất kinh doanh tại địa phương...Xác định rõ quan điểm, không vì phát triển nóng mà hy sinh vấn đề môi trường, gây hậu quả lớn trong nhân dân”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.Chuẩn bị chu đáo mọi mặt để nhân dân đón tết Canh Tý năm 2020 trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực và đoàn công tác, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng cho biết: Năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 17,15%, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Thu ngân sách đạt hơn 28.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.325 USD, toàn tỉnh có 6 đơn vị huyện đạt nông thôn mới, 350 xã nông thôn mới (chiếm 61% số xã toàn tỉnh), huy động vốn đầu tư phát triển đạt 125.000 tỷ đồng. Công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính được triển khai nghiêm túc, đạt kết quả quan trọng.
Một điểm nổi bật nữa là Thanh Hoá đi đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Cùng một mặt bằng chung về cơ chế, thể chế nhưng Thanh Hoá đã giải ngân rất tốt, đạt trên 90% trong khi nhiều tỉnh, thành khác tỷ lệ giải ngân rất thấp. Tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo để thu hút tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển và năm 2019, tỉnh huy động được đến 125.000 tỷ đồng.