Theo đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng - Bộ Tài chính, trong năm 2019 sẽ triển khai nhiều cơ chế chính sách đối với thị trường TPCP. Theo đó, dự kiến sẽ phát hành TPCP chuẩn; hoàn thiện hạ tầng trên thị trường thứ cấp để thực hiện chào giá cam kết chắc chắn; thực hiện nghiệp vụ hoán đổi TPCP; thí điểm phát hành các mã trái phiếu chuẩn để nhà tạo lập thị trường (PDs) thực hiện chào giá cam kết chắc chắn; nghiên cứu khả năng phát hành TPCP xanh.
Đối với TPCP bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương sẽ triển khai các quy định mới tại Nghị định 91/2018/NĐ-CP và Nghị định 93/2018/NĐ-CP. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) dự kiến sẽ xây dựng trung tâm thông tin TPDN; khuyến khích các DN huy động vốn trái phiếu; theo sát tiến trình sửa đổi Luật Chứng khoán đối với các nội dung về: khái niệm nhà đầu tư chuyên nghiệp, điều kiện và quy trình phát hành TPDN ra công chúng, khả năng gắn xếp hạng tín nhiệm với phát hành TPDN ra công chúng, phạm vi phát hành, giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ.
Kho bạc Nhà nước dự kiến khối lượng TPCP sẽ huy động qua kênh đấu thầu khoảng 260.000 tỷ đồng; kỳ hạn phát hành bình quân năm 2019 dự kiến khoảng 13 năm; duy trì lịch biểu phát hành hàng tuần, gọi thầu đan xen các loại kỳ hạn ngắn, trung và dài hạn…
Được biết, trong năm 2018, HNX đã tổ chức tổng cộng 269 phiên đấu thầu, huy động được 192.012 tỷ đồng, giảm 1,19% so với năm 2017, tương ứng với tỷ lệ huy động thành công đạt 53,1%, giảm 20,2% so với năm 2017. Trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được 165.797 tỷ đồng, tăng 3,7% so với năm 2017, đạt 94,7% kế hoạch năm điều chỉnh. Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 9.670 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2017, đạt 100% kế hoạch năm. Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 16.545 tỷ đồng, giảm 51% so với năm 2017, đạt 48,6% kế hoạch năm...