Bên cạnh Bộ luật Lao động, sắp tới chúng ta sẽ có thêm Luật Việc làm, nhằm cụ thể hơn các mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Dự kiến, Luật Việc làm sẽ được hoàn thiện trình Quốc hội khóa XIII xem xét, thông qua trong năm 2013 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Ảnh minh họa |
Dự án Luật Việc làm do Bộ lao động Thương binh và xã hội đang soạn thảo gồm 11 chương và 132 điều, quy định về phát triển việc làm, quản lý lực lượng lao động, dịch vụ việc làm, tuyển và đăng ký sử dụng lao động...Nguyên tắc được dự thảo đưa ra là bình đẳng, không phân biệt đối xử về việc làm; bảo đảm cơ hội có việc làm cho mọi người lao động. Đặc biệt, một số quy định lần đầu tiền được đề cập tại dự thảo Luật này, đó là các quy định về cấp mã số lao động, bảo hiểm việc làm, hỗ trợ duy trì việc làm...
Luật Việc làm cũng quy định những hành vi bị nghiêm cấm, như phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp; xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động; dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm để thực hiện những hành vi trái pháp luật...Một số Điều luật cũng quy định cụ thể những vấn đề về bình đẳng giới, về đối tượng phụ nữ là lao động khuyết tật, lao động nông thôn, lao động vùng dân tộc…
Công dân đủ 15 tuổi được cấp mã số lao động
Theo dự thảo, hàng năm UBND cấp xã phải thông báo công dân đủ 15 tuổi thường trú (cư trú) tại địa bàn mình quản lý về việc cấp mã số lao động. Bên cạnh đó, công dân đủ 15 tuổi phải đến UBND cấp xã làm thủ tục cấp mã số lao động.
Nội dung để cấp mã số lao động bao gồm những thông tin cơ bản như: họ tên, ngày tháng năm sinh; nơi thường trú (cư trú); trình độ học vấn; trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng việc làm và thay đổi việc làm. Công dân đủ 15 tuổi được cấp duy nhất một mã số lao động. Mã số lao động được xoá trong các trường hợp bị chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết; được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại; ra nước ngoài để định cư. Người lao động có trách nhiệm lưu giữ mã số lao động đã được cấp và xuất trình khi tham gia tuyển chọn lao động, sử dụng các dịch vụ việc làm công, theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Dự thảo luật cũng quy định, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho lao động là người cao tuổi có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có nguyện vọng được tiếp tục làm việc được làm việc, trừ những ngành, nghề đặc thù theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân sử dụng lao động là người cao tuổi phải đảm bảo môi trường, địa điểm làm việc, an toàn vệ sinh lao động và các chế độ khác phù hợp với lao động là người cao tuổi theo quy định của pháp luật.
Theo nguyên tắc của pháp luật, lao động Việt Nam được làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam trừ các đối tượng sau: chưa đủ 18 tuổi; cán bộ, công chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp Quân đội nhân dân Việt Nam; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật; Hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn; người làm việc trong tổ chức cơ yếu; người làm trong ngành, nghề liên quan đến bí mật Nhà nước...
Tham gia bảo hiểm việc làm được hưởng nhiều chế độ
Người lao động tham gia bảo hiểm việc làm là người làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ ba tháng trở lên.
Tham gia bảo hiểm việc làm, người lao động sẽ được hưởng các chế độ ưu việt như: hỗ trợ duy trì việc làm (gồm hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; hỗ trợ lãi suất tiền vay để thanh toán các chế độ cho người lao động) và các chế độ đối với người thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tìm việc làm; hỗ trợ đào tạo phát triển kỹ năng nghề).
Ngoài ra, để công nhận kỹ năng cho người lao động và hình thành hệ thống đánh giá kỹ năng nghề, Nhà nước thực hiện đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động theo khung trình độ quốc gia. Người lao động tham dự kỳ đánh giá kỹ năng nghề và đạt yêu cầu của bậc trình độ kỹ năng nghề nào thì được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở bậc trình độ đó. Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia có giá trị trên phạm vi cả nước.
Người lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được hưởng lương theo ngạch, bậc lương đối với người có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Người sử dụng lao động phải sử dụng toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định lao động có chứng chỉ kỹ năng quốc gia ở một số lĩnh vực, ngành nghề theo quy định.
Đáng chú ý, lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo quy định phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Đông Quang