Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện, đề án giãn dân phố cổ chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn một (2011-2015), giãn khoảng 1.800 hộ dân sang khu đô thị mới Việt Hưng, trong đó có 780 hộ sống trong các khu đất công cộng, dự kiến sẽ di chuyển ngay từ đầu 2012. Sang năm 2013 di chuyển tiếp 1.020 hộ. Ước tính nhu cầu đất giãn dân cho toàn bộ đề án là hơn 40 ha.
Khu vệ sinh tắm giặt, cơm nước này là của chung của hơn 10 hộ nhà 27 phố Hàng Bạc |
Dự kiến năm 2015 hoàn thành giai đoạn một và tiếp tục giai đoạn hai (2015-2020). Theo tính toán, nhu cầu giãn dân của khu phố cổ lên trên 26.000 người, tương đương 6.550 hộ dân. Tổng vốn đầu tư giai đoạn một khoảng 4.300 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 400 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và kêu gọi đầu tư.
Ông Vũ Văn Viện cho biết, do tính chất nhạy cảm của đề án nên các công việc liên quan đều được tiến hành rất thận trọng. Quận Hoàn Kiếm đã tổ chức điều tra xã hội học đối với trên 950 hộ dân trong diện liên quan. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có xấp xỉ 27% số hộ đồng ý với việc di chuyển.
Trước những vướng mắc của đề án, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc phải làm xong quy hoạch điều chỉnh khu tái định cư Việt Hưng phục vụ giãn dân phố cổ trước ngày 20/7. Riêng đề án tổng thể cho giai đoạn một phải xong trước ngày 15/8. Ông Khôi lưu ý các đơn vị liên quan cần có chính sách ưu đãi về nhà ở, giá bán nhà tái định cư cho người dân để tăng đồng thuận đối với cư dân phố cổ.
Theo UBND Hà Nội, phố cổ nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm, có diện tích là 81 ha, mật độ dân số 840 người một ha (tổng dân số trên 66.000 người). Với mật độ dân số quá cao khiến cho hệ thống cơ sở kỹ thuật quá tải, ô nhiễm môi trường. Vì vậy, hàng chục năm nay Hà Nội lập kế hoạch giãn dân phố cổ, dự kiến đến năm 2020 dân số giảm xuống còn khoảng 40.000, tương đương 500 người một ha.
Theo VnExpress