QTV - Sáng ngày 29/3, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh năm 2009. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đ/c Nguyễn Văn Đọc- Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh QN.
Năm 2009, đã có 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến thời tiết QN. Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp đã sớm được kiện toàn, phân công nhiệm vụ rõ ràng và hiệu quả để ứng phó với những diễn biến thất thường của thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại của bão, lũ. Khối các địa phương đều lên phương án phòng chống lụt bão (PCLB); rà soát đề phòng lũ quét; khi bão lũ xuất hiện đều tổ chức tốt công tác thường trực, kiểm tra cơ sở, kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Ngành NN và PTNT đã kiểm tra các công trình trước mùa mưa bão, đánh giá chất lượng đê điều và phương án PCLB vùng trọng điểm; tổ chức các lớp tập huấn công tác PCLB, lắp đặt ở 14 địa phương hệ thống thông tin vệ tinh liên lạc phục vụ công tác PCLB và TKCN. Các ngành khác như Viễn thông, Dự báo khí tượng thủy văn, QTV đã phối hợp thông tin tuyên truyền, dự báo kịp thời, thường xuyên tới nhân dân thông tin về bão, lũ… Lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương nắm bắt thông tin và xử lý tình huống; diễn tập PCLB. Tổng chi cho công tác PCLB tỉnh năm 2009 là hơn 873 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là mua vật tư chống lụt bão cho các địa phương.
Tuy nhiên, trong năm qua vẫn còn những tồn tại về công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành các yêu cầu khi bão xảy ra; công tác quản lý tàu du lịch còn khá lỏng lẻo, phương tiện phục vụ TKCN vẫn hạn chế…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc đã biểu dương sự nỗ lực, chủ động và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong công tác PCTT và TKCN năm 2009. Đ/c đề nghị: năm 2010 với những diễn biến phức tạp của thời tiết, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức tự phòng, tránh thiên tai của nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản liên quan tới đê điều và nơi neo đậu tàu thuyền; rà soát lại những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt. Chỉ đạo kịp thời các đơn vị theo dõi thông tin tình hình thời tiết. Khi thiên tai xảy ra, chú ý sử dụng lực lượng tại chỗ một cách hiệu quả. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương; kiểm tra, đôn đốc; tiếp tục quan tâm đầu tư cho các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn./.
Ngọc Linh