Việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cải cách thuế được coi là một thắng lợi pháp lý quan trọng trong năm nắm quyền đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.
Thắng lợi quan trọng
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói, cuộc biểu quyết của Hạ viện đưa ông Trump tiến một bước gần hơn tới việc mang tới “những khoản cắt giảm thuế cho dịp Giáng Sinh”. Các cuộc biểu quyết nước rút vào cuối năm cho thấy phe Cộng hòa quyết tâm gượng dậy kể từ giữa năm nay, khi nỗ lực bãi bỏ luật chăm sóc y tế Obamacare của Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama sụp đổ ở Thượng viện và triển vọng cải cách thuế dường như bị lu mờ do đấu đá nội bộ trong đảng. Phó Tổng thống Mike Pence đã lùi chuyến công du Ai Cập và Israel sang tháng 1/2018 để ông có mặt ở Washington này trong trường hợp cần tới quyền biểu quyết của ông để thông qua dự luật tại Thượng viện.
Theo dự luật này, đa số người Mỹ sẽ được giảm thuế, nhưng thành phần được hưởng lợi nhiều nhất là những người giàu có. Trung tâm Chính sách Thuế, một cơ quan nghiên cứu độc lập, hôm 18/12 kết luận rằng dự luật cải cách sẽ cắt giảm thuế cho 95% người Mỹ trong năm 2018, nhưng mức giảm thuế trung bình cho thành phần có thu nhập cao nhất vượt xa mức giảm thuế cho những người có thu nhập thấp. Dự luật này sẽ hủy bỏ một phần Đạo luật Chăm sóc Y tế giá rẻ (Obamacare) và tăng mức nợ liên bang lên gần 1.500 tỷ USD trong thập niên tới.
Ngay sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật về cải cách thuế, một loạt các "đại gia" của nước này, trong đó của AT&T và Boeing đã công bố kế hoạch thưởng cuối năm cho nhân viên và bổ sung các khoản chi cho năm sau. Theo đó, công ty viễn thông đa quốc gia AT&T công bố các khoản thưởng 1.000 USD cho hơn 200.000 nhân viên của hãng, đồng thời cho biết nhân viên của hãng sẽ nhận được khoản thưởng này vào dịp nghỉ lễ cuối năm nếu Tổng thống Donald Trump ký thông qua luật trên trước Giáng sinh. Ngoài ra, AT&T cũng công bố kế hoạch bổ sung nguồn quỹ đầu tư thêm 1 tỷ USD trong năm 2018. Giám đốc điều hành AT&T Randall Stephenson tin tưởng chính sách cải cách thuế của Mỹ sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và tạo ra nhiều việc làm có thu nhập tốt.
Trong khi đó, tập đoàn chế tạo máy bay Boeing thông báo bổ sung 300 triệu USD vào khoản chi của hãng, bao gồm quỹ đào tạo nhân lực và nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất nơi làm việc. Công ty tài chính và ngân hàng Fifth Third Bancorp cũng ngay lập tức công bố kế hoạch tăng lương tối thiểu cho tất cả nhân viên của hãng lên 15 USD/giờ và thưởng "nóng" 1.000 USD cho hơn 13.500 nhân viên của công ty.
Tổng thống Mỹ đề xuất gói cải cách thuế lớn nhất trong 3 thập kỷ |
Kẻ khóc, người cười
Cho đến nay, nhiều chuyên gia phân tích và nhà kinh tế vẫn hoài nghi về khả năng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng của dự luật cắt giảm thuế này đúng như mục tiêu ban đầu mà Tổng thống Trump đề ra.
Nhà quản lý đầu tư Karl Haeling của công ty quản lý tài sản LBBW cho rằng chính sách cải cách thuế sẽ tạo thêm lợi nhuận cho các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy các hoạt động mua lại cổ phần và cổ tức hơn là thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Những người ủng hộ dự luật cải cách thuế trong đảng Cộng hòa hy vọng rằng đà phát triển kinh tế Mỹ 8 năm liên tiếp sẽ tiếp tục duy trì và đẩy nhanh hơn nhờ được khích lệ bởi biện pháp giảm thuế. Họ cũng coi dự luật này này chìa khóa để duy trì thế đa số của họ trong Hạ viện và Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2018. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói ngay trước cuộc biểu quyết: “Hôm nay, chúng ta trả lại tiền cho người dân của đất nước này. Dù gì đi nữa thì đây là tiền của họ”.
Trong khi đó, các thành viên đảng Dân chủ đã đồng loạt lên tiếng phản đối dự luật, cho rằng luật cải cách thuế có lợi cho các tập đoàn công ty lớn và giới giàu có, trong khi không quan tâm đến thành phần trung lưu và buộc người già phải trả chi phí đắt đỏ hơn. Phe Dân chủ nói rằng dự luật này sẽ nới rộng cách biệt thu nhập giữa người giàu và người nghèo ở Mỹ, trong khi thêm 1.500 tỷ USD vào khối nợ quốc gia vốn đã ở mức 20.000 tỷ USD trong 10 năm tới.
Theo Ủy ban Liên hợp về Thuế vụ (JCT), một nhóm phi đảng phái chuyên phân tích các dự luật thuế cho Quốc hội, dù phe Cộng hòa và Tổng thống Trump ca ngợi dự luật này sẽ đem lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu ở Mỹ, song khoảng 23% các khoản cắt giảm thuế là dành cho tầng lớp này dưới dự luật thuế được đề xuất. Một phân tích mới được ủy ban công bố ngày 18/12 cho biết những người nộp thuế thuộc tầng lớp trung lưu sẽ được giảm 61 tỷ USD tiền thuế trong năm 2019 theo dự luật mà phe Cộng hòa biểu quyết. Tuy nhiên, những người này sẽ thấy tiền thuế của mình nhìn chung tăng lên sau một thập niên.
Báo The Wall Street Journal cho biết, tầng lớp trung lưu, những người có thu nhập trong khoảng từ 20.000-100.000 USD/năm, chiếm khoảng một nửa số người khai thuế ở Mỹ. Khung thuế cao nhất được phân tích trong bản báo cáo của JCT, áp dụng cho những người có thu nhập 500.000 hoặc hơn mỗi năm, sẽ được giảm 61 tỷ USD tiền thuế trong năm 2019. Nhưng mức thu nhập đó chiếm khoảng 1% số người khai thuế hàng năm.
Ngoài ra, 37/38 nhà kinh tế được khảo sát bởi Chương trình Thị trường Toàn cầu của Đại học Chicago vào tháng 11/2017 nói rằng các dự luật thuế của phe Cộng hòa sẽ khiến nợ của nước Mỹ tăng nhanh hơn “đáng kể” so với nền kinh tế.
Một cuộc khảo sát của CNN công bố cho thấy 55% những người được hỏi phản đối dự luật của phe Cộng hòa trong khi chỉ có 33% ủng hộ. Tỷ lệ phản đối tăng 10 điểm phần trăm so với cuộc cuộc thăm dò trước đó vào tháng 11/2017 do CNN thực hiện. 2/3 số người được hỏi nhìn nhận rằng dự luật thuế của phe Cộng hòa có lợi cho những người giàu nhiều hơn là tầng lớp trung lưu, với tỷ lệ 66-27%.
Luật cải cách thuế do đảng Cộng hòa đề xuất trị giá 1.500 tỷ USD |
Đòn bẩy thúc đẩy kinh tế
Mặc dù vấp phải ý kiến trái chiều song ở một góc độ nào đó, có thể thấy Tổng thống Trump là một người theo chủ nghĩa hiện thực, phục vụ lợi ích của nước Mỹ.
Tuy nhiên, chính vì vị trí của Mỹ trong trật tự quốc tế hiện nay, những thay đổi trong nội bộ nước Mỹ sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng bên ngoài. Thực tế là, mặc dù các nền kinh tế này cũng đang thực sự hưởng lợi rất nhiều từ thị trường Mỹ, nhưng Mỹ lại thu được nhiều lợi ích hơn từ các nền kinh tế này. Từ những năm 1980 đến nay, Mỹ đã thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa và thu được lợi ích lớn nhất từ tiến trình này. Vấn đề của nước Mỹ là vấn đề nội bộ, chủ yếu là do toàn cầu hóa đã dẫn đến việc nới rộng khoảng cách thu nhập và phân hóa cao trong xã hội Mỹ. Chính phủ Mỹ thực sự cần giải quyết những vấn đề này, bởi nếu tình hình tiếp tục như vậy, nội bộ nước Mỹ sẽ phải đối mặt với sự bất ổn nghiêm trọng.
Việc cải cách thuế lần này của ông Trump cho thấy sự ích kỷ cực đoan của Mỹ nhưng cũng tượng trưng cho sự suy thoái, cho thấy Mỹ đã không thể cung cấp sản phẩm công cho hệ thống kinh tế quốc tế mà ở đó Mỹ đóng vai trò chủ đạo. Cải cách thuế triệt để hoàn toàn là động thái mang đậm màu sắc của “chủ nghĩa đơn phương”.
Luật thuế mới nếu được áp dụng ngay từ năm 2018 sẽ giúp kinh tế Mỹ bùng nổ mạnh vì chi tiêu đầu tư kinh doanh và cá nhân sẽ tăng. Dù thuế suất giảm nhưng vì tăng trưởng GDP cao sẽ đẩy thu nhập kinh doanh và cá nhân tăng cao, cuối cùng sẽ cho tổng thu nhiều hơn và không làm tăng thâm hụt ngân sách do giảm thuế, nhất là sau 3-4 năm.
"Linh hồn" của cuộc “cách mạng giảm thuế” là sẽ cho giảm hẳn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 20%, và sau nữa là đơn giản hoá hệ thống thuế thu nhập cá nhân bằng cách gộp các mức thuế suất, hay giảm bớt số mức thuế, tùy theo dự luật thuế nào được chấp thuận. Nói chung, ông Trump luôn nhấn mạnh giảm thuế sẽ là biện pháp “vĩ đại” nhất để khuyến khích đầu tư vào Mỹ và chi tiêu cá nhân Mỹ, giữ lại các hãng Mỹ lớn sản xuất sinh lời ở Mỹ thay vì đem sang Trung Quốc, ví dụ điển hình là hãng Apple chuyên sản xuất ở bên ngoài, nhất là Trung Quốc, và giữ hẳn tài sản khổng lồ trên 260 tỷ USD ở ngoại quốc để tránh thuế, thay vì đem về Mỹ đầu tư lại và tạo công ăn việc làm cho lao động Mỹ./.