Theo Reuters, những động thái trên của Mỹ được công bố ngày 19/4, theo một kế hoạch được thiết kế để hỗ trợ những người đi vay và công chức có thu nhập thấp.
“Các khoản tiền vay mượn để đi học chưa bao giờ là bản án chung thân; nhưng khi bị gánh nặng nợ nần bao vây, nhiều người sẽ thấy nó không khác gì một bản án chung thân”, Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Miguel Cardona nhấn mạnh.
Ít nhất 40.000 người sẽ được xóa nợ ngay lập tức theo Chương trình xóa giảm nợ dịch vụ công cộng vừa được giới chức Mỹ công bố.
Theo tuyên bố của Bộ Giáo dục Mỹ, vài nghìn khoản vay cũ cũng sẽ được xóa thông qua chương trình dựa trên thu nhập (IDR).
3,6 triệu người đi vay khác cũng sẽ được hưởng thêm ít nhất 3 năm tín dụng với chương trình xóa nợ dựa trên IDR.
Ngoài các biện pháp vừa được công bố nói trên, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng đã thực hiện nhiều biện pháp khác để hỗ trợ sinh viên, trong đó có việc gia hạn gần như tất cả các khoản nợ của họ.
Chính quyền Mỹ cũng muốn xóa bỏ hoàn toàn các khoản nợ tiền vay mượn đi học cho các sinh viên nhưng kế hoạch này đã không được thông qua.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, ông Biden đã kêu gọi xóa 10.000 USD cho mỗi khoản tiền vay mượn đi học của sinh viên, với tổng trị giá lên tới hơn 400 tỷ USD nếu được triển khai.
Kể từ khi ông Biden được bầu làm Tổng thống Mỹ, Nhà Trắng đã thúc giục Quốc hội hành động để xóa nợ cho sinh viên nhiều hơn.
Theo Sáng kiến dữ liệu giáo dục, trong Danh mục khoản vay liên bang của Mỹ, có khoảng 43,4 triệu người vay mượn tiền đi học, với khoản nợ lên tới khoảng 1,6 nghìn tỷ USD; tức là trung bình mỗi sinh viên vay mượn hơn 37.000 USD.
Các khoản vay mượn đi học được coi là rào cản đối với nền kinh tế Mỹ, là gánh nặng cho các chuyên gia trẻ sau khi tốt nghiệp nhiều năm, đồng thời góp phần làm học phí tăng cao.
Bộ Giáo dục Mỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống Biden đã xóa bỏ khoản nợ hơn 17 tỷ USD cho 725.000 người vay trong năm đầu tiên cầm quyền, đồng thời gia hạn tạm dừng trả nợ cho khoảng 41 triệu người.