Chuyện đàm phán này được tiến hành sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi Mêhicô và Canada xem xét lại, đúng hơn là đàm phán lại, thỏa thuận về Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà ba bên đã ký kết từ thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton và đã có hiệu lực từ năm 1994.
Đối với cả thế giới, NAFTA là thỏa thuận thương mại tự do đa phương lớn nhất từ trước tới nay và đã đóng vai trò rất quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư giữa ba nước Bắc Mỹ này. Ông Trump vốn chủ trương bảo hộ mậu dịch và không mặn mà gì với những thỏa thuận đa phương quốc tế, coi trọng thỏa thuận song phương hơn.
Người này cho rằng NAFTA lợi ít hại nhiều đối với nước Mỹ và vì đã tung hô khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết” nên sẵn sàng và buộc phải tung hê những thành quả tích cực đối với nước Mỹ của những người tiền nhiệm. Vì thế, ông Trump chủ trương xoá sổ NAFTA và thay thế bằng thỏa thuận mậu dịch tự do song phương giữa Mỹ với Mêhicô và Canada hoặc đàm phán lại NAFTA và ký kết thỏa thuận thương mại tự do ba bên hoàn toàn mới - đương nhiên với nội dung mới và tên gọi mới vì chỉ như thế mới thể hiện được dấu ấn riêng của ông Trump.
NAFTA còn bị ông Trump đối xử như thế nên chẳng có gì là khó hiểu khi ông Trump quyết định rút nước Mỹ ra khỏi Thỏa thuận về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), ngừng đàm phán với EU thỏa thuận với tên gọi Quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương về thương mại và đầu tư (TTIP) cũng như chủ trương vô hiệu hoá Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Nội dung cụ thể của thỏa thuận mới về thương mại tự do giữa Mỹ và Mêhicô không được công bố. Nhưng qua việc ông Trump thể hiện thái độ hài lòng và hoan hỉ có thể nhận thấy là phía Mêhicô chắc chắn đã phải nhượng bộ Mỹ nhiều hơn so với trong NAFTA cũ.
Mêhicô hiện đang ở trong thời kỳ quan hệ khó khăn với Mỹ vì những chuyện rất nan giải và nhạy cảm như người nhập cảnh trái phép vào Mỹ, chuyện ông Trump định xây dựng bức tường ngăn cách biên giới giữa hai nước và chuyện quy chế pháp lý cho công dân Mêhicô ở Mỹ. Mêhicô đã được lợi rất nhiều và rất cơ bản từ NAFTA nên nếu không duy trì được NAFTA thì phải tìm kiếm thỏa thuận song phương mới với Mỹ.
Với thỏa thuận mới nói trên, ông Trump đã gặt hái được thành công ban đầu trong chủ ý thay thế NAFTA bằng thỏa thuận mới và đẩy Canada vào tình thế khó xử. Thỏa thuận này gây áp lực ghê gớm đối với Canada ở trên hai phương diện. Thứ nhất, ông Trump sẽ không chịu nhượng bộ Canada nhiều hơn những gì đã nhượng bộ cho Mêhicô, thậm chí sẽ lại còn dùng thỏa thuận này để ép buộc Canada phải nhượng bộ Mỹ nhiều hơn Mêhicô đã nhượng bộ Mỹ.
Thứ hai, với thỏa thuận vừa có được với Mêhicô, ông Trump phát đi thông điệp về phía Canada là nước này chỉ có sự lựa chọn giữa tham gia để có thỏa thuận tay ba mới thay thế cho NAFTA hoặc đứng riêng lẻ bởi NAFTA trong thực chất đã bị xoá sổ.
Ở đây cũng còn bộc lộ sự thức thời và khôn khéo của Mêhicô. Chỉ cần đi trước Canada trong việc tìm kiếm thỏa thuận song phương mới về thương mại tự do với Mỹ là Mêhicô đã còn có được cả ưu thế nhất định trong đàm phán với Canada về thỏa thuận mậu dịch tự do song phương hoặc tay ba với Mỹ nữa.
Thỏa thuận này với Mêhicô sẽ được ông Trump sử dụng làm bằng chứng mới nhất cho hình ảnh về người “luôn thành công trong việc đàm phán đạt thỏa thuận lớn” mà ông Trump luôn tự thể hiện và quảng bá cho mình. Nó khích lệ ông Trump tiếp tục chơi những cuộc chơi như thế với các đối tác kinh tế và thương mại khác của Mỹ.
Tận dụng nó làm kết quả mới cho thành công của chủ trương “Nước Mỹ trước hết”, ông Trump sẽ có được từ đó những tác động mong muốn tới cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm lỳ sắp tới ở Mỹ. Vì cuộc bầu cử này và vì cuộc xung khắc thương mại mà ông Trump đã phát động với nhiều đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ, ông Trump hiện càng cần sớm có được thỏa thuận song phương như thế này. Mối quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại giữa 3 nước Bắc Mỹ bắt đầu được cấu trúc lại.
Từ Washington, một bài báo nước ngoài tường thuật: “Từ phòng Bầu dục, ông Donald Trump nhấc điện thoại gọi cho đồng nhiệm Mêhicô Pena Nieto để hoan nghênh, trước các ống kính máy quay. Một sự dàn cảnh như thường lệ, để mừng việc đạt được một hiệp định thương mại với Mêhicô, và tổng thống Mỹ có thể chôn vùi ALENA, hiệp định tự do mậu dịch với Mêhicô và Canada.
Ông Trump tuyên bố: “Được gọi là ALENA, nhưng nay chúng ta gọi là hiệp định thương mại giữa Hoa Kỳ và Mêhicô. Chúng ta sẽ bỏ cái tên ALENA từ nhiều năm qua vốn mang một ý nghĩa xấu đối với người Mỹ vì không có lợi cho chúng ta”.
Hai vị nguyên thủ khẳng định: “Hiệp định đơn giản hóa và cải thiện quan hệ thương mại giữa hai nước”. Nhưng một bất đồng vẫn còn tồn tại sau khi thương lượng. Ông Donald Trump muốn một thỏa thuận riêng rẽ với nước láng giềng phía bắc, còn ông Pena Nieto nói với ông Trump: “Tôi cho rằng ông sẽ bắt đầu thương lượng về các hồ sơ nhạy cảm giữa Hoa Kỳ với Canada, và tôi hy vọng Canada sẽ cùng tham gia hiệp định này với chúng ta”.
Thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Mêhicô liên quan đến những lãnh vực đa dạng như nông nghiệp, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử hay sản xuất xe hơi. Để có hiệu lực, thỏa thuận này cần phải được Quốc hội Mỹ chấp thuận”.
Về phía Canada, theo những tuyên bố lạc quan của tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Canada Justin Trudeau sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, dường như hai nước sắp đạt được một thỏa thuận về Hiệp định Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) mới.
AFP hôm 30/08/2018 cho biết có những lúc cuộc đàm phán diễn ra suốt đêm. Bộ trưởng Ngoại giao Canada ngày 29/8/2018 cho báo giới biết cuộc đàm phán diễn ra trong không khí tốt đẹp và hai phái đoàn đàm phán làm việc rất hiệu quả.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vốn luôn đánh giá NAFTA là một hiệp định “kinh khủng” đối với nền kinh tế Mỹ, cũng nhấn mạnh là các cuộc thảo luận “đã diễn ra rất tốt đẹp”. Trong khi đó, thủ tướng Canada Justin Trudeau nói tới “khả năng sớm đạt được một thỏa thuận tốt đẹp cho Canada”.
Nếu đạt được thỏa thuận với Mỹ, Canada mới có thể tiếp tục cùng Mỹ và Mêhicô ký một hiệp định mới về Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ, thay cho hiệp định NAFTA ký hồi năm 1994.