Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục cơn bĩ cực và xấu thêm đi trên một phương diện khác khi trên nhiều phương diện đã trở nên rất tồi tệ trong thời gian chỉ có hơn nửa năm qua.
Đầu năm nay, Mỹ và Trung Quốc còn hài hoà với nhau khi thoả thuận và ký kết được Thoả thuận thương mại giai đoạn 1, một thoả thuận tạm thời và giải pháp tình thế giúp hai bên hạ nhiệt gay cấn trong cuộc xung khắc thương mại song phương bùng phát sau khi ông Donald Trump lên cầm quyền ở nước Mỹ và tạo bầu không khí chính trị thuận lợi cũng như đà đàm phán cho thoả thuận thương mại tiếp theo.
Thoả thuận thương mại giai đoạn một chưa được triển khai thực hiện thì mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã nhanh chóng trở nên trắc trở và căng thẳng, liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra, đến Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến Đài Loan, Tân Cương, Hồng Công, Tây Tạng và tập đoàn công nghệ cao Huawei của Trung Quốc.
Hai sự thay đổi quan điểm chính sách rất cơ bản của Mỹ đối với Trung Quốc là ngừng áp dụng những biện pháp chính sách ưu đãi Hong Kong sau khi Trung Quốc áp dụng bộ luật mới về an ninh ở Hong Kong; và Mỹ công khai bác bỏ gần như hoàn toàn mọi yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở khu vực Biển Đông.
Mỹ còn đi xa hơn rất nhiều khi tuyên bố sẽ ủng hộ những bên cảm thấy bị Trung Quốc xâm hại chủ quyền lãnh thổ và hàng hải cũng như tìm cách liên thủ các đồng minh và đối tác thành liên minh để cùng đối phó Trung Quốc. Trong bối cảnh tình hình quan hệ song phương như thế, chính phủ Mỹ bất ngờ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa tổng lãnh sự quán ở Houston (bang Texas).
Lý do được phía Mỹ đưa ra là cơ quan lãnh sự này của Trung Quốc xâm hại lợi ích của Mỹ về quyền sở hũu trí tuệ và thông tin. Mỹ còn truy tìm và bắt giữ một số nhà khoa học của Trung Quốc đang thăm và làm việc ở Mỹ. Tổng lãnh sự quán của Trung Quốc ở Houston được thành lập cùng năm với việc hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhau (1979).
Houston là thành phố lớn thứ 4 ở Mỹ và có mối quan hệ kết nghĩa với thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Có thể nói cơ quan lãnh sự này của Trung Quốc là một trong những biểu tượng cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Phía Trung Quốc không thể không đáp trả, bởi nguyên tắc có đi có lại trong thế giới ngoại giao buộc Trung Quốc phải ăn miếng trả miếng nếu như muốn giữ thể diện và không để bị coi là thất thế so với Mỹ.
Trung Quốc đáp trả Mỹ bằng việc yêu cầu ngừng hoạt động tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Trung Quốc không yêu cầu Mỹ đóng cửa tổng lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán chắc vì hai lý do. Thứ nhất là Trung Quốc có ý vẫn muốn duy trì mối quan hệ kết nghĩa giữa Vũ Hán và Houston.
Thứ hai, Vũ Hán vốn là nơi đã bùng phát dịch bệnh và Mỹ trên thực tế đã rút gần hết nhân viên lãnh sự ở đó. Nếu buộc Mỹ đóng cửa tổng lãnh sự ở Vũ Hán, Trung Quốc sẽ làm thế giới bên ngoài lại tập trung để ý đến Vũ Hán, hơn nữa không ai lại đi đóng cửa một cơ quan lãnh sự chỉ còn hoạt động cầm chừng trên thực tế.
Bên cạnh đó, tổng lãnh sự quán của Mỹ ở Thành Đô lại đảm nhận cả khu vực Tây Tạng. Sau khi bị mất cơ quan lãnh sự ở Houston và Thành Đô, Mỹ và Trung Quốc đều còn 4 cơ quan lãnh sự trên lãnh thổ của nhau, riêng Mỹ còn có thêm tổng lãnh sự quán ở Hong Kong và Ma Cau.
Theo nguyên tắc có đi có lại trong thế giới ngoại giao, Mỹ dễ bị tổn thương hơn Trung Quốc trên phương diện đồng đều về số lượng cơ quan ngoại giao và lãnh sự. Đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự cũng như trục xuất nhân viên ngoại giao và lãnh sự luôn là chuyện “tày đình” trong quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Giữa Mỹ và Trung Quốc, tác động của việc này lại càng thêm nghiêm trọng