Theo Reuters, phát biểu trên được ông Tillerson đưa ra trong một bài phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington. Trong phát biểu, ông Tillerson tái khẳng định lập trường lâu nay của Mỹ rằng nước này sẽ không cho phép Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông cũng cho biết Mỹ muốn giải quyết tranh cãi với Triều Tiên thông qua biện pháp ngoại giao hòa bình. Theo hướng này, Ngoại trưởng Mỹ cho biết, Mỹ sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào Triều Tiên sẵn sàng. “Chúng tôi đã sẵn sàng để có cuộc gặp đầu tiên vô điều kiện”, ông Tillerson nói.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, việc nói rằng Mỹ sẽ chỉ tham gia đàm phán nếu Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ chương trình của mình là không thực tế. “Họ cũng đã đầu tư rất nhiều vào đó”, ông nói. Ông Tillerson cũng gợi mở về khả năng tiến hành các cuộc thảo luận mang tính chất thăm dò, miễn là trước đó Triều Tiên không tiến hành bất cứ vụ thử hạt nhân và tên lửa nào. “Chúng ta có thể bàn về việc tiến hành thảo luận bàn tròn hay bàn vuông. Sau đó, chúng ta có thể vạch ra lộ trình mà các bên sẵn sàng hướng tới”, ông Tillerson nói.
Mặc dù vậy nhưng ông Tillerson cũng cho biết Mỹ đang thực hiện các biện pháp nhằm thắt chặt việc thực thi các lệnh trừng phạt quốc tế với Triều Tiên, đặc biệt là các biện pháp mà Trung Quốc có thể áp dụng. Ông cũng nói Washington đã có đầy đủ các lựa chọn quân sự nếu cần. “Điều quan trọng là nỗ lực ngoại giao được hậu thuẫn bằng 1 giải pháp quân sự đáng tin cậy”, ông nói thêm. Ông Tillerson cũng tiết lộ, Mỹ đã có các cuộc nói chuyện với Trung Quốc về việc làm thế nào vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể được giữ an toàn trong một cuộc khủng hoảng…
Phát biểu của ông Tillerson đánh dấu bước chuyển so với các tuyên bố được các quan chức cấp cao của Mỹ trước đó, theo đó nói rằng Triều Tiên phải thể hiện rằng nước này nghiêm túc trong việc thảo luận về giải trừ hạt nhân trước khi các cuộc đàm phán chính thức được khởi động. Song, Reuters cũng cho biết hiện chưa rõ liệu ông Tillerson có nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Donald Trump trong việc tìm kiếm sự mở đầu ngoại giao để giải quyết vấn đề Triều Tiên như vậy hay không trong bối cảnh ảnh hưởng của ông trong Chính phủ Mỹ dường như đã có sự suy yếu. Trước đó, ông Tillerson đã bày tỏ mong muốn sử dụng các kênh ngoại giao với Bình Nhưỡng nhưng ông Trump trong một phát biểu đưa ra hồi tháng 10 vừa qua cho rằng động thái như vậy chỉ phí thời gian.
Tuy nhiên, theo AFP, về phía Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un được truyền thông nhà nước của nước này dẫn lời tuyên bố sẽ đưa Triều Tiên trở thành “cường quốc hạt nhân mạnh nhất thế giới”. Về phía Nhật Bản, truyền thông Nhật dẫn lời Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Nhật Bản phản đối mọi ý tưởng về việc tổ chức các cuộc đàm phán với Triều Tiên về vấn đề này cho đến khi Triều Tiên thể hiện rõ sẽ từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.