Theo hãng tin Sputnik, thông tin trên được tờ The Washington Times dẫn một bản báo cáo mới đưa ra.
“Chi phí một lần của Bộ Quốc phòng có thể khác nhau rất nhiều. Chúng có thể bằng 0 nếu Mỹ quyết định không thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với các kế hoạch hiện tại của mình nhưng có thể lên tới khoảng 100 triệu đến 172 tỷ USD nếu Mỹ mở rộng lực lượng hạt nhân của mình đến mức START 2”, tờ The Washington Times dẫn báo cáo nghiên cứu của Văn phòng Ngân sách quốc hội cho biết.
Theo báo cáo, không loại trừ các khoản chi từ 88 tỷ đến 439 tỷ USD nếu Mỹ mở rộng kho vũ khí của mình đến mức START 1.
Theo các điều khoản của START 3, kho vũ khí mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ và Nga được giới hạn ở 1.550 đơn vị.
Ngoài ra, nhờ thỏa thuận, các bên đã giảm một nửa số lượng bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược đồng thời cũng nhất trí về một chế độ kiểm tra được thiết kế để ngăn chặn mọi hành vi lừa dối.
Truyền thông Nga cho rằng, Mỹ không quá muốn gia hạn hiệp ước START 3. Động cơ thúc đẩy quan điểm này là lo ngại về việc Nga vi phạm hiệp ước cũng như sự hiện diện của kho vũ khí hạt nhân nhỏ nhưng không ngừng phát triển của Trung Quốc.
“Nếu START 3 hết hiệu lực, Mỹ có thể quyết định không thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với các kế hoạch hiện tại về lực lượng hạt nhân. Trong trường hợp này, họ sẽ không phải chịu thêm bất kỳ chi phí nào”, báo cáo cho biết.
Vẫn theo nhóm tác giả nghiên cứu báo cáo, nếu Mỹ quyết định tăng cường tiềm lực hạt nhân do hiệp ước hết hiệu lực thì việc mở rộng kho vũ khí nhỏ sẽ tương đối rẻ và có thể tiến hành trong thời gian ngắn. “Tuy nhiên, việc gia tăng lực lượng hạt nhân nghiêm trọng hơn có thể là một nỗ lực rất tốn kém, có thể mất vài thập kỷ”, báo cáo cho hay.
Các nghị sỹ Adam Smith và Robert Menendez của Mỹ trong một phát biểu cho rằng dù báo cáo chỉ cung cấp ước tính sơ bộ về chi phí phát sinh từ những tuyên bố Mỹ nhưng nó cũng một lần nữa chứng minh lý do Hiệp ước START 3 lại quan trọng như vậy đối với an ninh của Mỹ và quốc tế.
Các chính trị gia này cũng kêu gọi chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngay lập tức gia hạn thỏa thuận thêm 5 năm nữa vì quyết định rút khỏi hiệp ước sẽ mang lại nhiều hậu quả tiêu cực cho Mỹ.
“Nếu Washington không làm gì và Hiệp ước START 3 hết hiệu lực thì Nga - nước đã đi trước chương trình hiện đại hóa hạt nhân của Mỹ - sẽ tận dụng lợi thế của việc phía Mỹ rút khỏi hiệp ước để nhanh chóng gia tăng kho vũ khí của mình mà không có bất kỳ hạn chế pháp lý nào”, các nghị sỹ Mỹ nhấn mạnh.