Mỹ: Thách thức chuyện cải cách thuế

Dự luật “Đạo luật việc làm và cắt giảm thuế” đã được Hạ viện Mỹ thông qua song vẫn còn nhiều thách thức
Dự luật “Đạo luật việc làm và cắt giảm thuế” đã được Hạ viện Mỹ thông qua song vẫn còn nhiều thách thức
(PLO) - Ngày 16/11, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cải cách thuế do phe Cộng hòa bảo trợ, qua đó giúp Tổng thống Donald Trump tiến thêm một bước quan trọng hướng tới mục tiêu cải tổ toàn diện hệ thống thuế của nước này. 

Nếu được ban hành, đây sẽ là lần cải cách thuế lớn nhất tại Mỹ trong vòng 30 năm qua.

Gói cải cách thuế lớn nhất trong 30 năm

Bất chấp sự phản đối của 13 hạ nghị sĩ Cộng hòa và toàn bộ hạ nghị sĩ Dân chủ, ngày 16/11, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật cải cách thuế với 227 phiếu thuận và 205 phiếu chống. Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Nhà Trắng đã ra tuyên bố ca ngợi “đây là một bước tiến lớn nhằm hiện thực hóa cam kết cắt giảm thuế lịch sử cho người dân Mỹ”.

Dự luật về cải cách thuế được Tổng thống Trump đệ trình lên Quốc hội có tên là “Đạo luật việc làm và cắt giảm thuế”. Theo đó, các nghị sĩ Cộng hòa đã đề xuất giảm các nhóm đối tượng đóng thuế từ 7 nhóm như hiện tại xuống còn 4 nhóm với các mức thuế lần lượt là: 12%, 25%, 35% và 39,6%. 

Như vậy, dự luật duy trì mức thuế cao nhất là 39,6%, thay vì 35% theo một kế hoạch thuế mà Nhà Trắng công bố hồi tháng 9 vừa qua, đối với các cá nhân có thu nhập 500.000 USD/năm và các cặp vợ chồng có thu nhập 1 triệu USD/năm. Mức thuế 25% áp dụng với các cặp vợ chồng có thu nhập 90.000 USD/năm trở lên, và 35% đối với các cặp vợ chồng có thu nhập 260.000 USD/năm - theo đó nhiều gia đình có thu nhập cao hiện đang bị đánh thuế 33% sẽ phải chịu mức thuế cao hơn.

Trong khi đó, mức thuế đối với các doanh nghiệp được đề xuất giảm từ 35% xuống còn 20%. Ngoài ra, dự luật cũng hủy bỏ thuế thừa kế từ năm 2024, tăng phụ trợ thuế con nhỏ từ 1.000 USD lên 1.600 USD, mặc dù khoản miễn trừ 4.050 USD/con sẽ bị xóa bỏ. Trong khi đó, các điều lệ hiện tại liên quan đến tiền tiết kiệm nghỉ hưu vẫn được duy trì như hiện tại. Khấu trừ lãi suất vay mua nhà sẽ được tính với các khoản vay từ 500.000 USD, thay vì 1 tỷ USD như hiện nay…

Trong vòng 30 năm qua, kể từ năm 1986, sau thời Tổng thống Ronald Reagan, Quốc hội Mỹ đã có vài lần xem xét lại chính sách thuế, nhưng không có đợt cải cách nào lớn như lần này.

Còn cửa “ải” Thượng viện

Ngay sau khi dự luật “Đạo luật việc làm và cắt giảm thuế” được Hạ viện thông qua, Tổng thống Trump đã gửi lời cảm ơn đến các nhà lập pháp Cộng hòa tại Hạ viện, đồng thời khẳng định đây là một bước tiến quan trọng để thực hiện lời hứa giảm thuế cho người Mỹ trước thời điểm cuối năm nay. Bên cạnh đó, tổng thống Trump cũng hối thúc Thượng viện Mỹ nhanh chóng phê chuẩn phiên bản dự luật tương tự. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng dự báo viễn cảnh để văn kiện này vượt qua được “ải” Thượng viện Mỹ là rất chông gai, bởi phe Cộng hòa tại Thượng viện hiện vẫn đang chia rẽ về dự luật trên, trong khi phe Dân chủ thì phản đối kịch liệt. Nếu như Tổng thống Trump cho rằng gói cải cách thuế mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tầng lớp trung lưu, hỗ trợ người lao động và kiến tạo việc làm, thì phe chỉ trích lại cho rằng chương trình cải cách thuế mới chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp và tầng lớp người giàu, và có thể làm trầm trọng thêm thâm hụt ngân sách của Mỹ.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, cải cách thuế của Trump nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách giảm chi phí từ các công ty và cá nhân. Trong số đó, các sáng kiến then chốt gồm: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 20%, bãi bỏ thuế thừa kế bất động sản, mở rộng trợ cấp thuế cho các gia đình có trẻ em và lập biểu thuế đặc biệt cho lợi nhuận của các công ty quốc tế. Những sáng kiến này có nguy cơ làm tăng thâm hụt ngân sách lên tới khoảng 90 tỷ USD. Trong 10 năm tới, kho bạc Mỹ có thể sẽ mất tới 3,1 nghìn tỷ USD. Do đó, gói cải cách thuế của ông Donald Trump được cho là có thể sẽ gặp khó khăn tại Thượng viện Mỹ khi nhiều thành viên thuộc Đảng Cộng hòa không muốn thông qua vì lo ngại vấn đề thâm hụt ngân sách.

Hơn nữa, các nghiên cứu còn cho thấy, đề xuất giảm thuế của ông Trump sẽ giúp ích cho nhiều người giàu ở Mỹ. Theo báo cáo của Trung tâm Chính sách thuế thuộc Viện Brooklyn thì với chính sách thuế mới này, 1% dân số giàu nhất có thể sẽ tăng thu nhập của họ lên 8,5%, trong khi thu nhập của 95% dân số không thuộc tầng lớp giàu có sẽ chỉ tăng khoảng 0,5-1,2%.

Trong khi đó, đối với giới doanh nghiệp, được lợi nhất có lẽ là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán lẻ, xây dựng và dịch vụ, vốn từ trước tới nay không được lợi thế theo chính sách thuế hiện tại. Thế nhưng, các doanh nghiệp công nghệ, vật tư, dược và đặc biệt là sản xuất xăng dầu nội địa lại không ủng hộ vì họ bị mất lợi thế từ chính sách mới. Họ vốn tận dụng được lỗ hổng trong chính sách thuế hiện tại để giảm trừ mức thanh toán lãi suất, chi phí thiết bị và nghiên cứu, cũng như chuyển lợi nhuận cho các thực thể ở nước ngoài nơi có thuế suất thấp hơn.

Đặc biệt, một trong những đối tượng phản đối kế hoạch giảm thuế mạnh mẽ nhất chính là Hiệp hội Bất động sản Mỹ. Hiệp hội này mới đây đã công khai chỉ trích bản kế hoạch giảm thuế bởi lo ngại về những tác động của nó lên giá nhà đất Mỹ. Chủ tịch Hiệp hội Elizabeth Mendenhall lý giải rằng bản kế hoạch giảm thuế mới sẽ chỉ khiến cho giá nhà giảm trong khi phần lớn doanh nghiệp lại được lợi với khoản thuế được giảm. 

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm mới. Nhưng cũng có ý kiến khác lại không đồng ý với sự lạc quan này. Họ cho rằng quyết định của ông Trump về giảm thuế sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách và không phải là sáng kiến tốt nhất. Bởi sự gia tăng thâm hụt ngân sách sẽ đẩy nhanh tốc độ hoạt động của Hệ thống dự trữ Liên bang. Điều này sẽ làm chậm đầu tư vào tài sản cố định, có nguy cơ làm giảm năng suất lao động, vốn đang ở mức thấp. 

Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến nhận định dự luật cải cách thuế đã có được bước tiến lớn tại Hạ viện, song để được Quốc hội Mỹ thông qua thì ít cũng phải đến đầu năm 2018. Hiện Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ đang trong quá trình thảo luận và điều chỉnh phiên bản dự luật cải cách thuế của cơ quan lập pháp này.

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Viện Brookings.

Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam đầu tư, kinh doanh

(PLVN) - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng dù bối cảnh tình hình có thay đổi Việt Nam vẫn tiếp tục nhất quán đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó coi trọng quan hệ với các nước lớn... Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tới đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Đọc thêm

Việt Nam phát biểu chung đại diện nhóm các nước tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền

 Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/3, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đã có bài phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.