“Vàng bẩn” sau đó được dùng để chế tác đồ trang sức và sản xuất các thiết bị điện tử mà người tiêu dùng không hề hay biết.
Vụ án tỷ USD
Tháng 3/2017, giới chức Mỹ thông báo đã triệt xóa một đường dây rửa vàng quốc tế trị giá hàng tỷ USD. Một nhóm đặc vụ liên bang đã bắt giữ 3 đối tượng bao gồm Juan Pablo Granda, Samer Barrage và Renato Rodriguez, bị cáo buộc đứng sau đường dây rửa “vàng bẩn” trị giá 3,6 tỷ USD, chủ yếu là vàng được khai thác bất hợp pháp trong những khu rừng ở Peru. Tháng 11 cùng năm, nhà chức trách Mỹ truy tố thêm 4 đối tượng là các công dân Peru, bao gồm Pedro David Perez Miranda, Gian Piere Perez Gutierrez, Peter Davis Perez Gutierrez và Jose Estuardo Morales Diaz vì cáo buộc có liên quan đến vụ việc.
Granda trước đây là giám đốc phụ trách kinh doanh của NTR Metals, công ty con của Nhà máy tinh luyện vàng Elemetal, một trong những công ty kinh doanh vàng lớn nhất Mỹ. Renato Rodriguez cũng từng là giám đốc điều hành kinh doanh của công ty trên tại Mỹ Latin còn Samer Barrage từng giám sát hoạt động của NTR ở Miami. Theo các công tố viên, 3 đối tượng này đã tích cực móc ngoặc với những kẻ cầm đầu các bãi khai thác vàng trái phép ở Peru, chào mời giá thu mua hấp dẫn cùng nhiều chiêu khác nhau để thu mua vàng. Ví dụ, theo kết quả điều tra, 3 tên này từng tiếp đãi một tay buôn lậu vàng ở Chile bằng rượu và gái mại dâm.
Theo lời khai của Barrage và Granda, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2017, 3 đối tượng này và những người khác trong đường dây đã mua hàng tỷ USD vàng có nguồn gốc bất hợp pháp từ các nước ở khu vực Mỹ Latin và Caribe và đưa về Mỹ bằng nhiều thủ đoạn vi phạm pháp luật khác nhau, bao gồm khai thác vàng bất hợp pháp, hối lộ, buôn lậu, khai man để nhập khẩu hàng hoá vào Mỹ.
Trong đường dây nói trên, Granda được xác định là kẻ cầm đầu. Tên này bị bắt ở Miami vào ngày 15/3/2017, sau khi bị công ty mẹ của NTR sa thải. Tại phiên điều trần tại ngoại của Granda diễn ra đầu năm 2017, Maderal khai rằng, chỉ một mình Granda đã điều phối hoạt động rửa hơn 1 tỷ USD vàng bất hợp pháp. Bản thân Granda trong tin nhắn với các đồng phạm cũng khoe khoang về hoạt động buôn lậu vàng của mình bằng cách so sánh mình với trùm ma túy Colombia Pablo Escobar, kẻ đã bị giết vào năm 1993. “Tao đi nhập vàng như Pablo đến lấy ma túy”, Granda nhắn.
Năm 2018, tên Barrage đã bị kết án 6 năm 8 tháng tù giam còn Granda nhận bản án 6 năm tù giam sau khi đạt thỏa thuận nhận tội đã nhập khẩu vàng khai thác bất hợp pháp vào Mỹ. Tên Rodriguez trong khi đó nhận bản án 7 năm tù giam. Cùng năm, Nhà máy tinh luyện vàng Elemetal LLC, công ty mẹ của NTR Metals, cũng đạt thỏa thuận nhận tội không thực hiện chương trình chống rửa tiền một cách đầy đủ, đồng thời đồng ý nộp phạt 15 triệu USD để tránh gặp thêm rắc rối pháp lý.
Liên quan đến vụ việc này, mới đây nhất, hồi tháng 1/2022, tên Jesus Gabriel Rodriguez Jr., Giám đốc điều hành của Công ty xe tải bọc thép Transvalue Inc., có trụ sở tại thành phố Doral, bang Miami, cũng đã nhận tội đã hỗ trợ đường dây buôn lậu vàng nói trên bằng cách nộp các giấy tờ hải quan giả mạo để che giấu nguồn gốc thực sự của vàng được nhập khẩu qua Sân bay Quốc tế Miami.
Rodriguez Jr. thừa nhận đã giúp nhập lậu hàng tấn vàng từ Curacao, nơi được biết đến như một trung tâm buôn bán bất hợp pháp vàng được khai thác ở Nam Mỹ, vào Mỹ. Với việc nhận tội như vậy, tên này dự kiến chỉ phải đối mặt với mức án 2 năm tù giam thay vì khung hình phạt 20 năm tù giam vì tội rửa tiền. Rodriguez cũng đồng ý nộp lại 267.817 USD là phần tiền công mà hắn nhận được khi tham gia vào việc nhập lậu vàng. Đây cũng được cho là đối tượng cuối cùng trong đường dây bị truy tố.
Lợi nhuận khổng lồ
Theo tờ Miami Heral, trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2011, do các cuộc tấn công khủng bố, mất an ninh tài chính và nhu cầu lớn để chế tác đồ trang sức và thiết bị điện tử ở các thị trường Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ, giá một thỏi vàng đã tăng vọt từ 51.000 USD lên 390.000 USD. Hầu hết vàng trên thế giới đến từ các mỏ do các tập đoàn đa quốc gia kiểm soát. Trong đó, chỉ riêng 5 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Australia, Nga và Canada đã sản xuất một nửa nguồn cung vàng hàng năm trên thế giới.
Khu vực châu Mỹ Latin là nơi tập trung phần lớn hoạt động khai thác vàng phi pháp. Một thống kê cho rằng, khoảng 28% lượng vàng được khai thác ở Peru, 30% lượng vàng được khai thác ở Bolivia, 77% lượng vàng được khai thác ở Ecuador, 80% vàng được khai thác ở Colombia và 80-90% vàng ở Venezuela được sản xuất bất hợp pháp.
Quy mô của hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp ở khu vực Mỹ Latin phần nào thể hiện ở những con số như cơ quan thuế Peru ước tính, chỉ trong vòng 8 tháng, từ tháng 2 đến tháng 10/2014, 35 tấn vàng lậu trị giá hơn 1 tỷ USD đã được trung chuyển qua Lima đến Mỹ và Thụy Sỹ. Kể từ năm 2006, khoảng 68 tấn vàng khai thác bất hợp pháp từ Amazon và các khu vực biên giới phía bắc Bolivia đã được đưa lậu ra khỏi nước này…
Còn theo một nghiên cứu của Tổ chức minh bạch tài chính (GFI), từ năm 2010 đến năm 2018, gần 11 tấn vàng từ Colombia xuất sang Mỹ đã bị lập hóa đơn sai. Chênh lệch giá trị tích lũy giữa giá trị xuất khẩu vàng do các thương nhân Colombia khai báo và các số liệu nhập khẩu tại Mỹ trong khoảng thời gian 8 năm đó, ước tính lên tới khoảng 2,7 tỷ USD.
Khoảng cách giá trị thương mại với Ấn Độ và Thụy Sỹ cũng khoảng trên 1 tỷ USD mỗi nước. Hiệp hội khai thác Colombia ước tính rằng 70% lượng vàng xuất khẩu từ nước này là từ các hoạt động bất hợp pháp. Theo một báo cáo của Liên minh khai thác có trách nhiệm của Colombia và tổ chức tư vấn Cedetrabajo có trụ sở tại Bogota, có một số đặc tính nhất định vốn có khiến vàng dễ bị khai thác, buôn bán và rửa bất hợp pháp.
“Không chỉ có giá trị cực lớn, nó còn có thể di chuyển được và phần lớn không thể theo dõi được. Không giống như ma tuý, vàng vốn không phải là bất hợp pháp và việc phân biệt giữa vàng có nguồn gốc hợp pháp và bất hợp pháp có thể rất khó”, báo cáo của 2 tổ chức trên cho hay.
Theo báo cáo của GFI, dù hầu hết vàng khai thác bất hợp pháp được đưa khỏi Colombia thông qua buôn lậu, ví dụ như bằng máy bay nhỏ, thuyền hoặc được giấu trong người của khách du lịch quốc tế, khoảng 1/5 số trường hợp buôn lậu vàng được thực hiện qua các kênh thương mại chính thức. Việc buôn lậu như vậy thường được tiến hành thông qua việc các công ty xuất khẩu lớn thành lập các công ty giả mạo, đăng ký các phòng thương mại khác nhau trên khắp Colombia.
Bà Aba Schubert, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của Dorae, một nền tảng dựa trên blockchain để theo dõi nguồn gốc và chuyển động của nguyên liệu thô, chỉ ra rằng, trước khi được đưa ra thị trường, vàng thường được các nhà tổng hợp thu gom từ nhiều nhà sản xuất thủ công, sau đó bán cho các nhà máy tinh luyện.
Khi đó, vàng từ các nguồn khác nhau được nấu chảy cùng nhau và được chuyển hóa, khi đó, việc xác định nguồn gốc của vàng đó sẽ rất khó. Vì vậy, bà Schubert cho rằng cần có các biện pháp để khuyến khích các công ty tổng hợp thu thập thông tin về đơn vị cung cấp vàng nguyên liệu cho họ, từ đó phát hiện sớm những hành vi bất hợp pháp.
Theo nhà báo Nehamas, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều mỏ khai thác lớn đa quốc gia phải ngừng hoạt động hoặc đóng cửa vì không thể để quá nhiều công nhân làm việc cùng lúc tại cùng một nơi. Điều này lại tạo ra một làn sóng những người khai thác vàng trái phép đổ xô vào rừng. Giá vàng hiện nay thậm chí còn cao hơn do suy thoái kinh tế liên quan đến đại dịch. Trong bối cảnh như vậy, “vàng bẩn” thậm chí có thể trở thành một vấn đề lớn hơn bao giờ hết.