Reuters dẫn tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, quyết định của phía Mỹ là một quyết định không hề dễ dàng, phản ánh mối quan ngại của Mỹ đối với những khoản nợ quá hạn tại UNESCO, sự cần thiết phải có những cải cách căn bản với tổ chức này và tình trạng thiên vị chống Israel.
Việc Mỹ rút khỏi UNESCO là một đòn giáng mạnh vào tổ chức có trụ sở ở Paris bởi Mỹ hiện là nước đóng góp đến khoảng 80 triệu USD mỗi năm, tương đương 1/5 ngân sách của tổ chức này.
Tổng Giám đốc đương nhiệm của UNESCO Irina Bokova đã bày tỏ sự thất vọng đối với quyết định của phía Mỹ.
“Tại thời điểm mà những cuộc xung đột vẫn đang nổ ra trên khắp thế giới, việc Mỹ rút khỏi cơ quan của LHQ hoạt động nhằm thúc đẩy giáo dục vì hòa bình và bảo vệ văn hóa khỏi các cuộc tấn công là điều vô cùng đáng tiếc. Đây là một tổn thất với gia đình LHQ. Đây là một tổn thất với chủ nghĩa đa phương”, bà Bokova nói.
Theo các quy định của UNESCO, việc rút khỏi khỏi tổ chức này của Mỹ sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 12/2018. Cho đến lúc đó, Mỹ vẫn sẽ là một thành viên đầy đủ của tổ chức.
UNESCO hiện có khoảng 2.000 nhân viên trên toàn thế giới, trong đó chủ yếu là tại Paris.
Tuyên bố của Mỹ được đưa ra trong lúc UNESCO đang tiến hành bầu giám đốc mới.
Sau 3 vòng bỏ phiếu kín, ứng viên Hamad bin Abdulaziz al-Kawari của Qatar và Audrey Azoulay của Pháp đang theo sát nhau. Ứng viên Moushira Khattab hiện đang xếp thứ 3.