[links()] Ngày 24/7 Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại trước “những hành động đơn phương” của Trung Quốc trên biển Đông và nói rằng, các tranh chấp về chủ quyền giữa các bên liên quan cần phải giải quyết bằng biện pháp ngoại giao phối hợp.
Trung Quốc đơn phương thành lập “thành phố Tam Sa”. Ảnh: THX |
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 24/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã cảnh báo Trung Quốc không nên hành động đơn phương trên biển Đông.
“Chúng tôi quan ngại liệu có nên thêm bất kỳ động thái đơn phương nào nhằm đặt sự đã rồi vào một vấn đề mà chúng tôi đã nhiều lần nói là chỉ có thể giải quyết thông qua đàm phán, qua đối thoại và bằng tiến trình ngoại giao phối hợp giữa tất cả các bên tranh chấp” - bà Nuland nói.
Tuyên bố trên của bà Nuland được đưa ra sau khi Bắc Kinh ngang nhiên tổ chức lễ thành lập “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bất chấp dư luận và pháp luật.
Washington nói rằng Mỹ không có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông nhưng có lợi ích chiến lược đối với tự do hàng hải trên tuyến đường biển quan trọng này cũng như việc duy trì hòa bình và ổn định tại đây.
Tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF 19) diễn ra tại Campuchia hồi đầu tháng, Ngoại trưởng Clinton cũng đã kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng giải quyết những tranh chấp ở biển Đông một cách “không ép buộc, không có sự hăm dọa, không có những đe dọa và không sử dụng vũ lực”, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Thượng viện Philippines ngày 24/7 đã phê chuẩn một hiệp định, cho phép quân đội Australia triển khai trên lãnh thổ của họ để tiến hành tập trận. Ông Edwin Lacierda – người phát ngôn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino – nói rằng quyết định trên của Thượng viện là bước đi quan trọng nhằm tăng cường an ninh quốc gia và khu vực. Thượng nghị sỹ Eduardo Angara cho biết ông ủng hộ hiệp định này vì Philippines cần “một mạng lưới bạn bè có khả năng bảo vệ” trong bối cảnh có một “mối đe dọa từ một nước rất mạnh và đã mở rộng phạm vi tuyên bố chủ quyền tới gần cửa lãnh thổ của chúng ta”. |
Khiêu khích không cần thiết
Cũng liên quan đến hàng loạt động thái của Trung Quốc nhằm cố tình chính thức hóa thành phố Tam Sa, Thượng nghị sỹ John McCain của đảng Cộng hòa Mỹ ngày 24/7 đã cảnh báo về việc Trung Quốc “khiêu khích một cách không cần thiết” khi thành lập một đơn vị quân sự đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa.
“Quyết định của Ủy ban quân sự trung ương Trung Quốc cho triển khai quân đội trên các quần đảo ở biển Đông mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền là hành vi khiêu khích không cần thiết” – ông McCain nói.
Thượng nghị sỹ Mỹ cho rằng các động thái khác của Bắc Kinh - bao gồm chỉ định một hội đồng các nhà lập pháp để quản lý khu vực quần đảo đang xảy ra tranh chấp - “chỉ tạo thêm lý do khiến nhiều nước châu Á ngày càng quan ngại về những đòi hỏi chủ quyền mang tính bành trướng của Trung Quốc, vốn không có cơ sở luật pháp quốc tế, và khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách áp đặt đòi hỏi chủ quyền bằng con đường áp đặt và cưỡng bức”. “Những hành động của Bắc Kinh thật đáng thất vọng và không xứng với một cường quốc có trách nhiệm” – ông McCain kết luận.
Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mỹ cũng kêu gọi thúc giục các bên có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông tìm kiếm một giải pháp hòa bình, đa phương dựa trên luật pháp quốc tế.
Cảnh báo nguy cơ xung đột vũ trang trên biển Đông
Trong khi đó, nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG) có trụ sở tại Brussel, Bỉ ngày 24/7 cảnh báo rằng những căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên biển Đông có thể leo thang thành xung đột do các bên liên quan đang tăng cường trang bị vũ khí.
Theo ICG, triển vọng giải quyết các tranh chấp “dường như bị thu hẹp” lại sau khi 10 nước ASEAN trong một hội nghị thượng đỉnh mới đây không ra được một bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông.
“Nếu không có được sự đồng thuận về một cơ chế giải quyết, căng thẳng trên biển Đông có thể dễ dàng diễn biến thành xung đột vũ trang. Khi các nước ASEAN chưa thống nhất được chính sách gắn kết trên biển Đông thì sẽ không thể đề ra những quy tắc có tính cưỡng chế thi hành nhằm giải quyết các tranh chấp” – ông Paul Quinn-Judge - Giám đốc ICG về châu Á, cho biết.
ICG cho rằng Trung Quốc đã tích cực khai thác những chia rẽ trong nội bộ ASEAN, bằng cách ưu đãi những thành viên trong khối ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.
Báo cáo của ICG cũng cho rằng, Trung Quốc và các nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông đang không ngừng tăng cường sức mạnh Hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển trong bối cảnh tranh chấp. Vì thế, theo ICG, sự việc có thể diễn tiến căng thẳng hơn và không loại trừ nguy cơ đối đầu trên biển. Theo ICG, cách tốt nhất để giảm những căng thẳng là các bên tranh chấp cần thống nhất trong việc chia sẻ nguồn tài nguyên trên vùng biển này.
Thanh Tâm (Theo AP, AFP)