Thời gian gần đây, đa số các loại mỹ phẩm được quảng cáo trên mạng xã hội là thiên thần sắc đẹp đều được bày bán tràn lan trên mạng xã hội. Từ kem chống lại tuổi già đến các loại kem trắng da thần tốc, mịn màng không tì vết như… mỹ nữ Ngọc Trinh đều có thể mua trên mạng xã hội trong vòng vài phút, thủ tục nhanh gọn giản đơn.
Giá các loại mỹ phẩm “thần thánh” này thì vô vàn, từ dăm chục ngàn đến vài triệu đều có cả. Giá cả đa dạng, thương hiệu phong phú, từ Ý, Mỹ, Nhật đến Australia đều hội tụ đủ. Duy chỉ có một cách thức không thay đổi là dùng đủ chiêu trò để móc túi khách hàng.
Lướt qua một loạt các trang mạng cung cấp nguyên liệu mỹ phẩm, các “bà chủ” chẳng cần phải ra nước ngoài hay xây dựng nhà máy cũng có thể tự chọn cho mình một loại nguyên liệu mỹ phẩm. Nguyên liệu này được bán dưới cả dạng bột và dạng kem thành phẩm.
Nếu là mỹ phẩm dạng bột, người bán sẽ có kèm một tờ hướng dẫn tỉ lệ pha chế còn nếu là dạng kem thì người mua chỉ cần mang về cho vào hộp dán tem là xong. Loại bột kem dưỡng trắng được quảng cáo với giá giao động từ 750 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/kg mỗi loại. Dạng kem thì cũng được chào bán với giá từ 600 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/kg tùy loại.
Mỹ phẩm tự làm tràn lan trên mạng. |
Điều đáng nói là theo quy định của pháp luật hiện hành (Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm) đã chỉ rõ, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm phải có giấy phép đăng ký kinh doanh.
Theo đó, các cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt các sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP - ASEAN): Phải có đội ngũ nhân sự có kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu của CGMP; có hệ thống quản lý, kiểm tra chất lượng đầy đủ; xây dựng nhà xưởng…
Việc quản lý mỹ phẩm hiện nay được các văn bản pháp luật quy định, khi đưa bất cứ sản phẩm mỹ phẩm nào ra thị trường, sản phẩm này phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Các cá nhân, tổ chức đưa sản phẩm này ra lưu thông theo quy định và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Khi lưu thông trên thị trường các sản phẩm mỹ phẩm phải được thực hiện ghi nhãn có đầy đủ nội dung theo quy định.
Tuy nhiên, các sản phẩm mỹ phẩm tự chế và bán cho người sử dụng tràn lan trên mạng không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Họ không phải thành lập công ty, không nhà máy sản xuất, không nhập khẩu, không chịu sự kiểm soát bởi bất cứ cơ quan chức năng nào.
Đơn cử, khi vào facebook bán hàng tự chế của Linh Trịnh (https://www.facebook.com/shirley.trinh.7), có hàng loạt sản phẩm được bài bán và chất lượng thì được kiểm định qua… khách hàng. Việc đánh giá đó có thực sự đúng hay không thì… trời mới biết.
Một nạn nhân sử dụng mỹ phẩm tự chế |
Theo quy định của pháp luật, kể cả dùng thử mà thu tiền khi chưa có giấy phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền cũng bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo thông tin PV tìm hiểu, dù là mẫu dùng thử, chưa gắn thương hiệu, chưa có giấy tờ kiểm định nhưng cũng được chủ Facebook này chào bán với giá 500 ngàn đồng mỗi hộp.
“Tôi đã mua mẫu dùng thử trên mạng của Linh Trịnh, vì ham có làn da trắng, nên em mua kem body, sau một tuần thì trắng thật nhưng sau 3 tuần thì da bị đỏ sần sùi… đến giờ sau 1 tháng không dùng, bôi thuốc của viện da liễu mà da tôi vẫn còn mẩn ngứa, sợ quá”- chị Nguyễn Thị Bích Hằng ở Kim Mã, Hà Nội biết.
Ngoài việc bán hàng không được kiểm định chất lượng, những cửa hàng rao bán mỹ phẩm trên mạng này còn “lách” được không phải nộp thuế, không bị quản lý thị trường kiểm tra và cũng không có địa chỉ để mà sợ khách hàng đến khiếu kiện.
Cho đến nay, hậu quả khi mua các sản phẩm “made in của tôi” không còn là chuyện hiếm và để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng khi mua phải mỹ phẩm kém chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ qua mạng xã hội vẫn là bài toán chưa có lời giải!