Theo hãng tin TASS, trong phát biểu ngày 5/8, Ngoại trưởng Mỹ cho hay, trong vài tháng qua, Mỹ và Nga đã nỗ lực làm việc để 3 nước có khả năng hạt nhân lớn nhất là Mỹ, Nga và Trung Quốc có một cuộc đối thoại chiến lược về cách cùng tiến tới để giảm rủi ro cho thế giới.
“Chúng tôi đạt tiến bộ với Nga; chúng tôi có 2 cuộc họp khả quan. Tôi hy vọng sẽ sớm có cuộc họp nữa, và hy vọng là Trung Quốc sẽ tham gia. Chúng tôi nghĩ rằng đó là lợi ích tốt nhất của họ. Chúng tôi biết đó là lợi ích tốt nhất của thế giới”, ông Pompeo tự tin nói.
Ngoại trưởng Mỹ cũng bày tỏ hy vọng Nga sẽ thúc giục Trung Quốc tham gia vào các cuộc thảo luận.
Vẫn theo Ngoại trưởng Mỹ, việc cả thế giới hiểu rằng việc 3 cường quốc hạt nhân có nguồn lực và khả năng quan trọng này hợp tác với nhau để tạo ra một tình huống chiến lược mạnh mẽ hơn, ổn định hơn liên quan đến các rủi ro không chỉ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân mà còn cả sự phổ biến của chúng là rất quan trọng.
Trước đó, tháng 11/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ muốn thực hiện một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới với Nga và Trung Quốc, và có thể một số quốc gia khác. Tuy nhiên, ông Trump từ chối trả lời một câu hỏi liệu Washington có tìm cách gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược New START hay không.
Vào ngày 9/4, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Chính quyền Mỹ đang xem xét khả năng mở rộng hiệp ước, có tính đến các mối đe dọa hiện tại cùng với sự sẵn sàng của Nga nhằm gia hạn hiệp ước mà không cần điều kiện tiên quyết.
Hiệp ước START mới giữa Mỹ và Nga bao gồm các biện pháp nhằm tiếp tục giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược có hiệu lực vào ngày 5/2/2011.
Tài liệu quy định rằng, 7 năm sau khi nó có hiệu lực, mỗi bên nên có tổng số tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược không quá 700 và không quá 1.550 đầu đạn trên các ICBM, SLBM và máy bay ném bom chiến lược đã triển khai.
Hiệp ước này cũng giới hạn tổng cộng 800 bệ phóng ICBM được triển khai và không triển khai, bệ phóng SLBM và máy bay ném bom chiến lược với mỗi bên.
Hiệp ước START mới sẽ có hiệu lực trong 10 năm, cho đến ngày 5/2/2021, trừ khi nó được thay thế trước ngày đó bằng một thỏa thuận tiếp theo về việc giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược.
Nó cũng có thể được gia hạn không quá 5 năm (nghĩa là cho đến năm 2026) nếu 2 bên đồng ý. Moscow đã nhiều lần kêu gọi Washington không trì hoãn việc kéo dài hiệp ước mà họ mô tả là một tiêu chuẩn vàng trong lĩnh vực giải giáp.