Theo Wall Street Journal và Reuters, hai nhóm tấn công tàu sân bay, dẫn đầu là các hàng không mẫu hạm Ronald Reagan và Nimitz, đã được phái đến Biển Đông, nơi Trung Quốc tiến hành tập trận.
Hải quân Mỹ ra tuyên bố nhấn mạnh, sứ mệnh nhằm "hậu thuẫn một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", cũng như phô diễn sự linh hoạt và các khả năng riêng có của Hải quân Mỹ.
"Mục tiêu là gửi tín hiệu rõ ràng cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi rằng chúng tôi cam kết đảm bảo an ninh và ổn định khu vực” - Chuẩn đô đốc George Wyckoff, chỉ huy nhóm tàu tấn công do tàu khu trục Ronald Reagan dẫn đầu, cho biết khi trả lời phỏng vấn Wall Street Journal.
Theo dữ liệu của hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ, các hàng không mẫu hạm đã thực hiện cuộc tập trận chung ở Biển Philippines trước khi được triển khai đến Biển Đông. Các lực lượng như vậy của Hải quân Mỹ hiếm khi tiến hành hoạt động ở Thái Bình Dương, khoảng bốn năm diễn ra một lần, lần cuối cùng là năm 2018.
Các chiến hạm thuộc nhóm tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, Trung Quốc tuyên bố ý định tiến hành tập trận trên quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông từ ngày 1-5 tháng 7 gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Việt Nam và Philippines cũng chỉ trích các cuộc tập trận của Trung Quốc theo kế hoạch, cảnh báo họ có thể tạo ra căng thẳng trong khu vực và tác động đến mối quan hệ Bắc Kinh với các nước láng giềng.
Hôm 2/7, Lầu Năm Góc bày tỏ quan ngại trước cuộc tập trận của Trung Quốc. Theo Wall Street Journal, việc tiến hành các cuộc tập trận ở khu vực tranh chấp trong Biển Đông là "phản tác dụng đối với các nỗ lực giảm thiểu căng thẳng và duy trì ổn định" trong khu vực.
Hôm 3/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đăng đàn Twitter khẳng định: “Mỹ nhất trí với một số quốc gia Đông Nam Á rằng, cuộc tập trận của Trung Quốc tại Biển Đông mang tính khiêu khích. Chúng tôi phản đối những yêu sách trái pháp luật của Trung Quốc”.