Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến chống ma túy trên biển

Hình ảnh từ cuộc bố ráp ma túy trên tàu ngầm như trong phim của lực lượng chức năng Mỹ
Hình ảnh từ cuộc bố ráp ma túy trên tàu ngầm như trong phim của lực lượng chức năng Mỹ
(PLVN) - Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ (USCG) thời gian gần đây đã đẩy mạnh các chiến dịch chống tội phạm ma túy trên vùng biển Thái Bình Dương. Kết quả là họ đã thu giữ hàng tấn cocaine và cần sa từ các tàu thuyền và tàu ngầm được các băng nhóm tội phạm huy động cho hoạt động phạm pháp này.

Những chiến dịch trên đại dương mênh mông

Theo thông báo mới đây của giới chức Mỹ, kể từ đầu năm tới nay, lực lượng bảo vệ bờ biển nước này đã bắt giữ hơn 400 nghi phạm buôn bán ma túy trên vùng biển phía đông Thái Bình Dương, thu giữ 104 tấn cocaine. Trong đó, trong chiến dịch mới nhất diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, USCG đã thu giữ tổng cộng 13 tấn cocaine với tổng giá trị lên tới 350 triệu USD tại vùng biển quốc tế ở Thái Bình Dương. 

Trong tháng trước, cảnh sát biển Mỹ cũng đã công bố một đoạn phim ghi lại cảnh truy bắt một tàu bán ngầm chở ma túy trên biển diễn ra hồi giữa tháng 6. Trong đoạn phim được USCG công bố, tàu của lực lượng chức năng Mỹ đã đuổi theo chiếc tàu bán ngầm và liên tục yêu cầu tàu này dừng lại bằng tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, con tàu vẫn không giảm tốc độ.

Sau đó, cảnh sát biển Mỹ đã tiếp cận tàu bán ngầm bằng xuồng và 2 cảnh sát biển Mỹ đã nhảy lên con tàu đang phóng rất nhanh để buộc những đối tượng trên tàu dừng lại. Một trong 2 sỹ quan Mỹ đã đập mạnh vào nắp hầm cho tới khi nghi phạm mở nắp tàu.

Kiểm tra bên trong tàu bán ngầm, USCG phát hiện trên tàu có 5 người cùng khoảng 7,7 tấn ma túy trị giá hơn 230 triệu USD. Những hình ảnh ghi lại cuộc rượt đuổi được truyền thông Mỹ nhận định là một trong “những thước phim đầy kịch tính” cho thấy nhiệm vụ chống ma túy trên biển ngày càng nhiều thách thức và nguy hiểm.

Theo ông James Estramonte – một sỹ quan chỉ huy thuộc lực lượng USCG, đây chỉ là một trong số các nhiệm vụ mà cảnh sát biển Mỹ đã triển khai trên biển trong bối cảnh số vụ buôn lậu ma túy trên biển đang gia tăng nhanh chóng. Các thông tin do giới chức Mỹ thu thập được cho thấy ngày càng có nhiều nhóm tội phạm lựa chọn đường biển để vận chuyển ma túy từ các nước Trung và Nam Mỹ vào nước này.

Theo báo cáo của USCG, lượng cocaine bị chính quyền Mỹ thu giữ trên biển tính đến nay đã nhiều gấp 4 lần so lượng bị thu giữ trong nước và ở khu vực biên giới trên bộ. Trong bối cảnh như vậy, ông Estramonte cho hay, USCG đang triển khai 3 đội chuyên thực hiện nhiệm vụ thu giữ và vây bắt tội phạm ma túy tập trung ở vùng biển quốc tế gần Trung, Nam Mỹ và Mexico. Giới chức Mỹ dự kiến sẽ dồn nhiều nguồn lực cho hoạt động này hơn trong thời gian tới. 

Mỹ là nước có số người sử dụng ma túy nhiều nhất thế giới. Do đó, cũng dễ hiểu khi nước này là thị trường “béo bở” thu hút các nhóm tội phạm buôn bán và vận chuyển ma túy vào đây. Cuộc chiến chống ma túy của giới chức Mỹ đã kéo dài hàng chục năm, “hao tiền tốn của” không kém những cuộc chiến tranh khác. Thế nhưng, hoạt động buôn bán ma túy vẫn diễn ra và ngày càng biến đổi theo hướng khó kiểm soát ở nước này và các nước lân cận. 

Huy động cả tàu ngầm buôn ma túy

Theo số liệu được USCG công bố năm 2014, trong vòng 5 năm từ năm 2009 đến 2014, lực lượng này đã bắt giữ được hơn 500 tấn cocaine, với tổng giá trị khoảng 17 tỷ USD. Điều này có nghĩa là trung bình mỗi năm có khoảng 100 tấn cocaine đã được vận chuyển qua đường biển đã bị cơ quan chức năng bắt lại. Tuy nhiên, chỉ trong nửa đầu năm nay, số lượng ma túy mà USCG bắt giữ trên biển đã lên đến hơn 100 tấn, cho thấy lượng chất cấm đi qua đường biển đã tăng vọt. 

Giới chức Mỹ ước tính 90% lượng cocaine từ các nước Trung Mỹ đã được vận chuyển bằng các tuyến đường biển đến Mỹ. Giáo sư Javier Guerrero thuộc Học viện Tecnológico Metropolitano của Colombia cho rằng, hoạt động của các băng đảng ma túy bằng đường biển đã gia tăng rõ rệt, với biểu hiện đáng chú ý nhất là sự xuất hiện thường xuyên hơn của các tàu ngầm chở đầy ma túy. Việc dùng tàu ngầm để vận chuyển ma túy được phát hiện lần đầu vào đầu những năm 1990 trên một con sông ở Colombia.

Trước đây, việc sử dụng tàu ngầm hay bán ngầm để vận chuyển ma túy hiếm khi diễn ra vì để chế tạo một con tàu kiểu này khá tốn kém. Song, đến nay, các băng đảng đã đầu tư mạnh tay hơn cho phương tiện này, thậm chí đã có bằng chứng cho thấy có một cuộc “chạy đua” dùng tàu ngầm tự chế để buôn bán ma túy nhằm tạo sức cạnh tranh giữa những băng nhóm buôn bán ma túy. 

Năm 2011, lực lượng an ninh Mỹ đã lần đầu phát hiện một tàu ngầm chở ma túy trên vùng biển Caribbe. Từ đó đến nay, các nhóm tội phạm ở Colombia tiếp tục sử dụng các tàu ngầm tự chế, ước tính lên đến 100 chiếc mỗi năm để vận chuyển ma túy trong mạng lưới sông ngòi rộng khắp nước này, cũng như đưa ma túy qua biển. Công nghệ phát triển cũng đã giúp các nhóm tội phạm có thể triển khai các tàu một cách tinh vi hơn, mở thêm nhiều tuyến đường hơn để tránh bị phát hiện trên biển.

Năm ngoái, Hải quân Colombia đã phát hiện và bắt giữ 14 tàu ngầm tự chế chở hàng trăm kg ma túy ở Thái Bình Dương, nhiều gấp 3 lần so năm 2017. Số lượng tàu ngầm mà lực lượng chức năng Mỹ thu giữ được cho là còn cao hơn nhiều lần. Đô đốc Karl Schultz thuộc USCG cho biết, các đơn vị của USCG đang chứng kiến ngày càng nhiều hơn các tàu ngầm hoặc bán ngầm chở ma túy. “Chúng dài khoảng 12m, di chuyển nổi trên mặt biển hoặc chìm một phần, nhiều chiếc tàu tự chế có động cơ bên ngoài và không quá tinh xảo nhưng đều có thể mang theo một lượng lớn hàng cấm”, ông Schultz tiết lộ.

Theo giới chức Mỹ, các đối tượng sử dụng tàu ngầm hoặc bán ngầm để vận chuyển ma túy thường là băng nhóm ở Colombia muốn đưa ma túy tới người mua hoặc đến quốc gia trung chuyển như Mexico và từ đây vận chuyển bằng đường bộ vào Mỹ. Các tàu ngầm có giá 1 triệu đến 2 triệu USD tùy thuộc vào hệ thống thông tin liên lạc, động cơ, vật liệu và các hệ thống dẫn đường được lắp đặt bên trong.

Dù những phương tiện vận chuyển loại này có giá khá cao nhưng theo ông Schultz, các băng đảng ma túy vẫn mạnh tay chi tiền sử dụng phương tiện này để tránh né sự truy quét của lực lượng an ninh. Bởi, nếu so với giá trị ma túy bán được ở thị trường Mỹ thì sử dụng tàu ngầm buôn lậu ma túy vẫn mang lại “siêu lợi nhuận” cho các băng nhóm. 

Theo Giáo sư Javier Guerrero, sự gia tăng các vụ bắt giữ tàu ngầm ma túy cho thấy những kẻ buôn lậu đã điều chỉnh chiến thuật đưa ma túy đến các thị trường tiêu thụ. Những tàu ngầm này rất khó phát hiện và có thể vận chuyển một lượng lớn hàng lậu, tạo ra những thách thức mới đối với cuộc chiến chống ma túy ở Mỹ và các quốc gia lân cận cũng như những “điểm nóng” ma túy khác trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.