"Đầu giờ tối nay, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và tôi đã đạt được thỏa thuận ngân sách về nguyên tắc”, hãng tin TASS dẫn tuyên bố của Tổng thống Mỹ tối 27/5 cho hay.
Theo ông Biden, thỏa thuận này thể hiện sự thỏa hiệp giữa 2 bên. Khẳng định thỏa thuận là một tin tốt cho người dân Mỹ, Tổng thống Biden nói rằng, thỏa thuận này ngăn chặn khả năng xảy ra “một vụ vỡ nợ thảm khốc”, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế, ảnh hưởng tới phúc lợi hưu trí và mất hàng triệu việc làm.
Tờ Washington Post trước đó đưa tin ông Biden và ông McCarthy đã thảo luận về thỏa thuận nêu trên qua điện thoại trong 90 phút.
Tổng thống Mỹ cho rằng thỏa thuận "là một bước tiến quan trọng giúp giảm chi tiêu trong khi bảo vệ các chương trình quan trọng cho người lao động và phát triển nền kinh tế cho tất cả mọi người".
“Và, thỏa thuận bảo vệ các ưu tiên chính và thành tựu lập pháp của tôi và các đảng viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội”, ông Biden nói thêm.
Tổng thống Mỹ thông báo, trong ngày 28/5, các nhóm đàm phán của chúng tôi của Nhà Trắng và đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ sẽ hoàn thiện văn bản lập pháp và thỏa thuận sẽ được chuyển đến Hạ viện và Thượng viện Mỹ.
"Tôi mạnh mẽ kêu gọi cả hai viện thông qua thỏa thuận ngay lập tức", Tổng thống Mỹ nói thêm.
Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy cho hay, cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận sẽ diễn ra vào ngày 31/5 tới.
Theo Reuters, thỏa thuận nâng trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD của Mỹ cho đến tháng 1/2025. Đổi lại, các khoản chi tiêu phi quốc phòng sẽ bị giới hạn ở mức hiện tại vào năm 2024 và chỉ tăng 1% vào năm 2025.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trước đó đã cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng ngày 5/6 là hạn chót nâng trần nợ công.
Bà Yellen lưu ý rằng một vụ vỡ nợ ở Mỹ nếu Quốc hội không nâng trần nợ sẽ là một thảm họa kinh tế và tài chính.