Rạng sáng qua (1/8) theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo các lãnh đạo đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã đạt được thỏa thuận tạm thời về nâng mức trần nợ công để giảm thâm hụt ngân sách và tránh được tình trạng vỡ nợ của cường quốc này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đạt được thỏa thuận quan trọng vào phút chót với Quốc hội. Ảnh: BBC
“Tôi muốn thông báo rằng, các quan chức của hai đảng (Dân chủ và Cộng hòa) trong hai viện đã đạt được thỏa thuận giúp giảm thâm hụt ngân sách và tránh tình trạng vỡ nợ mà có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế của chúng ta”, Tổng thống Mỹ tuyên bố từ Nhà Trắng.
Thỏa thuận tạm thời này đạt được chỉ hai ngày trước thời hạn chót mà nước Mỹ có thể bị vỡ nợ. Tuy nhiên, thỏa thuận này cần phải được quốc hội thông qua trong ngày 1/8.
Theo thỏa thuận tạm thời, mức trần nợ công được tăng thêm 2.400 tỷ USD theo hai đợt, 50% tăng ngay và phần còn lại tăng vào cuối năm. Đổi lại, chi tiêu công cũng được cắt giảm 917 tỷ USD trong 10 năm.
Cũng theo thỏa thuận mới, một siêu ủy ban quốc hội bao gồm 6 thành viên Dân chủ và 6 người của phe Cộng hòa sẽ đảm nhận từ giờ tới ngày 23/11 việc tìm kiếm các khoản cắt giảm thâm hụt ngân sách 1.500 tỷ USD thông qua cải cách thuế và cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội.
Nếu thỏa thuận nói trên được Quốc hội Mỹ thông qua, nó còn cho phép chính quyền Mỹ tránh được tình trạng vỡ nợ trong những ngày sau đó.
Mặc dù thỏa thuận tạm thời giữa hai đảng trong Quốc hội đã đạt được, các nhà lập pháp chưa hoàn toàn tỏ ra hài lòng. Chủ tịch Hạ viện John Beohner vẫn tuyên bố tại một cuộc họp báo của các nghị sĩ Cộng hòa: “Đây không phải là thỏa thuận tốt đẹp nhất”. Về phần mình, Chủ tịch Thượng viện Harry Reid cũng nói: “Tôi hiểu thỏa thuận này không làm các thành viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hài lòng, song người Mỹ cần sự thỏa hiệp”.
Bộ Tài chính Mỹ đã cảnh báo tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng. Nếu mức trần nợ công của Mỹ không được nâng lên trước ngày 2/8 thì Chính phủ nước này có thể trễ hạn thanh toán với các cựu chiến binh, các nhà thầu và những người nhận phúc lợi xã hội.
Việc thông qua nâng mức trần nợ công là công việc hàng năm của Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, lần này nhiều nghị sĩ cho rằng nâng trần nợ lên trên 14.300 tỷ USD sẽ làm ảnh hưởng tới các mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, mặc dù thỏa thuận tránh vỡ nợ cho chính quyền Mỹ đã đạt được, chi tiết chương trình cắt giảm chi tiêu trong 10 năm tới và vấn đề cải cách thuế, chương trình phúc lợi cơ bản vẫn chưa được nêu ra.
Hạn chót mà nước Mỹ xoay xở nhằm tránh tình trạng vỡ nợ là hôm nay (2/8). Nếu Mỹ không thể đi đến thống nhất về việc nâng trần nợ công, các hãng xếp hạng tín nhiệm sẽ đánh tụt mức AAA của Mỹ, khiến khả năng vỡ nợ sẽ cao hơn.
Như vậy, với việc các chủ nợ sẽ đòi lãi suất cao lên, người dân Mỹ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các khoản vay tiêu dùng, vay đi học, mua ô tô, thế chấp hay thẻ tín dụng. Lãi suất cao cũng sẽ làm giảm thu nhập của người dân Mỹ và đẩy nhiều gia đình vào cảnh nghèo khó. Trên bình diện toàn cầu, tình trạng vỡ nợ ở Mỹ cũng không phải là tín hiệu tốt cho nền kinh tế thế giới và có thể dẫn đến áp lực giá ở khắp nơi.
Q.M (tổng hợp)