Mỹ - Cuba “bước nhanh” để… sớm gặp nhau

Đã tròn 1 năm sau tuyên bố lịch sử trong quan hệ Mỹ - Cuba
Đã tròn 1 năm sau tuyên bố lịch sử trong quan hệ Mỹ - Cuba
(PLO) - Ngày 8/12/2015, tại thủ đô La Habana (Cuba), Mỹ và Cuba đã tiến hành thảo luận về các kiến nghị bồi thường thiệt hại kinh tế, một trong những nội dung gai góc nhất của lộ trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. 
Kể từ sau tuyên bố lịch sử bình thường hóa quan hệ ngoại giao được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro đưa ra ngày 17/12/2014, hai nước đã và đang có hàng loạt những bước đi tích cực nhằm đẩy nhanh tiến trình này.
Cuộc đàm phán diễn ra chỉ vài ngày trước dấu mốc lịch sử 1 năm Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro công bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra giai đoạn mới giữa hai nước.
Vấn đề gai góc
Hai nước đã tiến hành cuộc họp đầu tiên mang tính chất trao đổi thông tin về các tài sản của Mỹ bị Cuba tịch biên sau khi Cách mạng nước này thành công năm 1959, cũng như về những thiệt hại vật chất mà chính sách cấm vận của Mỹ gây ra cho Cuba. Đây là một trong những nội dung gai góc nhất của lộ trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Tại cuộc đàm phán, Mỹ đã yêu cầu một khoản bồi thường trị giá 7-8 tỷ USD cho gần 6.000 cá nhân và doanh nghiệp Mỹ có tài sản trên lãnh thổ đảo quốc Ca-ri-bê này bị tịch thu trước đây. Năm 1959, Luật Cải cách nông nghiệp tại Cuba có quy định về việc quốc hữu hóa, nhưng cũng đặt ra cơ chế đền bù bằng trái phiếu tự chủ dựa trên giá trị của đất đai trong sổ kế toán chính thức với lãi suất 4,5%/năm trong vòng 20 năm. 
Nhiều cá nhân và công ty Mỹ đã tham gia quá trình đàm phán những khoản đền bù này. Nhưng năm 1960, Washington đã quyết định ngừng hạn ngạch nhập khẩu đường mía từ Cuba, khi đó đang ở mức 700.000 tấn/năm, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của đảo quốc này. Đáp lại, La Habana đã thông qua Luật 851 quy định quốc hữu hóa cưỡng bức mọi tài sản của Mỹ tại Cuba. 
Về phần mình, Chính phủ Cuba cũng yêu cầu được đền bù cho những thiệt hại mà La Habana phải gánh chịu do lệnh cấm vận kinh tế kéo dài hơn nửa thế kỷ của Mỹ gây ra, ước tính trị giá khoảng 121,182 tỷ USD theo tỷ giá hồi năm 1996, khi Cuba ban hành Luật Tái khẳng định Phẩm giá và Chủ quyền Cuba. Văn bản luật này của Cuba được ban hành sau khi Mỹ thông qua Luật Helms - Burton, qua đó luật hóa cuộc bao vây cấm vận của Mỹ, bao gồm quy định việc xóa bỏ cấm vận của Mỹ chỉ được tiến hành khi Cuba đã đền bù mọi tổn thất các tài sản của pháp nhân Mỹ bị tịch biên trước đó. 
Đáp lại, Luật Tái khẳng định Phẩm giá và Chủ quyền Cuba quy định việc đền bù này chỉ được thương lượng cùng với việc đền bù từ phía Mỹ về những thiệt hại do cuộc bao vây cấm vận trên gây ra. Con số 121,182 tỷ USD nói trên sau đó được các tòa án tại Cuba thông qua hồi năm 2000. Bên cạnh đó, truyền thông Cuba cho biết, yêu cầu từ phía Cuba còn bao gồm 181 tỷ USD cho “các ảnh hưởng về con người” do lệnh cấm vận gây ra, đưa tổng cộng con số đòi bồi thường lên đến hơn 300 tỷ USD. 
Phát biểu sau cuộc gặp, cả hai bên cho biết cuộc trao đổi diễn ra trong bầu không khí “chuyên nghiệp và tôn trọng lẫn nhau”. Mỹ và Cuba đã đưa ra những kiến nghị bồi thường của mình song hai bên chưa bước vào giai đoạn đàm phán thực chất. Hai bên nhất trí tổ chức một cuộc gặp thứ 2 vào 3 tháng tới. Ngay trước khi khởi động cuộc đàm phán mới nhất này, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã khuyến cáo đây sẽ là một tiến trình “phức tạp và kéo dài”. 
Về phần mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhận định, cuộc gặp là bước đầu tiên của một tiến trình được kỳ vọng là “dài hơi và phức tạp”. Tuy nhiên, Washington coi việc tìm kiếm giải pháp cho các khúc mắc còn tồn tại giữa hai nước là một ưu tiên của tiến trình bình thường hóa.
Hai bên đang nỗ lực để sớm xóa hết những chướng ngại trong quan hệ
Hai bên đang nỗ lực để sớm xóa hết những chướng ngại trong quan hệ 
Đẩy nhanh tiến trình
Một năm trước, ngày 17/12/2014 Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro đưa ra tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, và hiện đang có hàng loạt những bước đi tích cực nhằm đẩy nhanh tiến trình này. 
Mỹ đã dỡ bỏ rào cản lớn nhất trên con đường khôi phục quan hệ song phương khi đưa Cuba ra khỏi cái gọi là “Danh sách các nước bảo trợ khủng bố”. Hồi đầu tháng 4/2015, Washington và La Habana cũng đã lần đầu tiên tổ chức đối thoại về nhân quyền. Sau gần 7 tháng thương lượng với 4 vòng đàm phán, tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba đã đạt được bước tiến mang dấu mốc lịch sử với việc hai nước nhất trí mở lại đại sứ quán vào ngày 20/7/2015. Hiện chính quyền Tổng thống Obama đã dỡ bỏ một số hạn chế về thương mại và du lịch với Cuba.
Hai bên đã thành lập Ủy ban song phương bàn về các vấn đề cấp bách nhất và đã ký được hiệp định đầu tiên về môi trường, bao gồm: bảo vệ biển và bờ biển, bảo vệ hệ sinh thái, nhất là các loài sinh vật đang bị đe dọa hoặc gặp nguy hiểm tới môi trường sống, biến đổi khí hậu, giảm nguy cơ thảm họa và ô nhiễm môi trường biển. Hiện tại, hai nước đang thương lượng các thỏa thuận về bưu chính và hàng không dân dụng.
Đầu tháng 11 vừa qua, giới chức hai nước đã tiến hành các cuộc thảo luận về cách thức hợp tác để ngăn chặn nạn buôn lậu và tội phạm có tổ chức. Hai bên đã nhất trí thảo luận các nỗ lực hợp tác chung nhằm tăng cường an ninh mạng và chống chủ nghĩa khủng bố, nạn buôn ma túy, buôn người cũng như rửa tiền, buôn lậu cùng các dạng tội phạm xuyên quốc gia khác. 
Mới đây, ngày 7/12 lực lượng cảnh sát hai nước đã đạt được thỏa thuận thiết lập kênh trao đổi dữ liệu trực tiếp qua Interpol và đã thực hiện các tiếp xúc đầu tiên qua kênh liên lạc mới này. Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Tây Bán cầu Alex Lee, đồng thời là Trưởng phái đoàn của Mỹ trong những cuộc đàm phán gần nhất với Cuba, trước đây Bộ Tư pháp Mỹ và đối tác Cuba cũng đã có các hình thức trao đổi thông tin trực tiếp trong một số trường hợp. 
Nhiều kỳ vọng
Theo AP, với việc lá cờ Mỹ lại tung bay trên nóc tòa Đại sứ quán Mỹ mới được mở cửa trở lại ở Cuba, rất nhiều người trong số hàng nghìn khách tham quan nước ngoài sải bước trên những con phố rải đá cuội ở Thủ đô La Habana cổ kính đã đặt dịch vụ du lịch qua hãng Airbnb… Đây là kết quả của tuyên bố lịch sử cách đây gần 1 năm giữa Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama về sự xích lại gần nhau giữa hai kẻ thù từng không đội trời chung dưới thời Chiến tranh Lạnh. 
Một năm sau lời tuyên bố ấy, Cuba đã thực sự biến đổi. Nhiều người có những kỳ vọng về một sự thịnh vượng và những quyền tự do mới. Các thương nhân Cuba rất kỳ vọng những triển vọng về một mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn. Các khách sạn, nhà trọ và nhà hàng sang trọng bắt đầu đông khách hơn và hứa hẹn trong năm tới sẽ có thêm hàng trăm khách sạn, nhà hàng nữa mọc lên.
Trong hành trình tới Mỹ hồi tháng 9 vừa qua, Giáo hoàng Francis - người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Cuba để đạt được sự xoa dịu căng thẳng như hiện nay - đã dừng chân tại Cuba. Trước đó, tháng 8/2015 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đích thân mở lại Đại sứ quán Mỹ ở Cuba. 
Fernando Funes - một nhà cựu nông học làm việc cho chính phủ, hiện có một trang trại thân thiện với môi trường rộng 20 héc- ta chuyên cung cấp các loại rau như rau cải hay rau diếp xoăn tới các nhà hàng tư nhân ở La Habana - nói: “Đây dường như là một luồng sinh khí mới. Họ đã xóa bỏ sự thù địch giữa hai cá nhân và hai chính phủ, và điều này có thể mở đường cho một tương lai của tình hữu nghị và sự tương trợ lẫn nhau”.
Những người ủng hộ sự ấm lên trong quan hệ giữa hai nước đang hy vọng rằng ngày kỷ niệm một năm tuyên bố chung nói trên sẽ tạo thêm lực đẩy cho các cuộc đàm phán để kết nối hai đất nước với những đường bay thương mại và vận chuyển trực tiếp, có thể mở đường cho chuyến thăm của Tổng thống Obama trong nửa đầu năm tới.
Tuy nhiên, với một số người khác thì những thay đổi này diễn ra dường như quá chóng vánh. Nhiều người lo ngại rằng việc bình thường hóa quan hệ này sẽ kết thúc sự đảm bảo về quyền cư trú hợp pháp mà người Cuba đang được hưởng khi đặt chân đến Mỹ. Khoảng 45.000 người Cuba hy vọng có thể đi tàu, xe buýt, taxi hoặc đi bộ qua Ecuador và một số nước Trung và Nam Mỹ khác để từ đó tới các vùng biên giới của Mỹ giáp với Mexico ở bang Texas và California trong năm nay. Tuy nhiên, nhiều người Cuba vẫn hy vọng những thay đổi giữa Mỹ và Cuba sẽ tạo nên những điều tốt đẹp cho họ.
Các nhà phân tích cho rằng, cuộc họp đầu tiên giữa hai nước nhằm thảo luận về các kiến nghị bồi thường thiệt hại kinh tế, một trong những nội dung gai góc nhất của lộ trình, đã cho thấy quyết tâm của cả Mỹ và Cuba trong việc đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Sự kiện này cũng đem lại hy vọng cho thế giới khi bất chấp sự chênh lệch về sức mạnh, hai quốc gia vẫn có thể giải quyết những mâu thuẫn đầy phức tạp và mang tính lịch sử qua con đường đối thoại hòa bình, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của nhau.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.