Mỹ công bố hỗ trợ 60 tỉ USD phát triển hạ tầng khu vực ASEAN

Các nhà lãnh đạo dự HNCC ASEAN-Mỹ lần thứ 6.  Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Các nhà lãnh đạo dự HNCC ASEAN-Mỹ lần thứ 6. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
(PLO) - Ngày 15/11, Mỹ công bố hỗ trợ 60 tỉ USD phát triển hạ tầng khu vực, để ngỏ khả năng xây dựng FTA song phương với các nước ASEAN, tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ 113 triệu USD về kinh tế và 300 triệu USD về hợp tác an ninh khu vực.

Ngày 15/11, tại Singapore, trong khuôn khổ chương trình của Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 33 và các Hội nghị liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ tham dự HNCC ASEAN-Mỹ lần thứ 6.

Tại Hội nghị, Phó Tổng thống Pence khẳng định cam kết của Mỹ đẩy mạnh quan hệ với ASEAN, coi ASEAN là đối tác quan trọng của Mỹ ở khu vực,  nhấn mạnh Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm và tiếp tục tham gia tích cực vào các cơ chế do ASEAN chủ trì, đóng góp cho hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Phó Tổng thống Pence chia sẻ về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở của Mỹ, khẳng định tôn trọng các nguyên tắc của ASEAN, mong muốn thúc đẩy hợp tác với ASEAN trên những lĩnh vực chung điểm đồng. 

Về tình hình Biển Đông, Phó Tổng thống Mỹ khẳng định tiếp tục duy trì hiện diện và đóng góp đảm bảo hoà bình, an ninh, ổn định tự do và an toàn hàng hải, không quân sự hoá trên biển Đông, tránh đối đầu, khuyến khích các bên liên quan thực hiện đầy đủ DOC, hướng tới sớm hoàn tất đàm phán COC hiệu quả và ràng buộc. Mỹ cũng trông đợi ASEAN tích cực ủng hộ nỗ lực phi hạt nhân hoá hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không đảo ngược trên Bán đảo Triều Tiên. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và đóng góp của Mỹ ở khu vực, mong muốn ASEAN và Mỹ tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, đề cao luật pháp quốc tế, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử chung, thúc đẩy một trật tự khu vực rộng mở, minh bạch và dựa trên luật lệ. Thủ tướng khẳng định hai bên cần đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại sâu rộng trên cơ sở công bằng, bình đẳng và cùng có lợi. Thủ tướng ghi nhận chia sẻ của Mỹ về sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhắc lại ASEAN hoan nghênh mọi sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản và vai trò trung tâm của ASEAN. 

Thủ tướng nhắc lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, trông đợi Mỹ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, tăng cường lòng tin, kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ DOC, xây dựng COC hiệu quả và thực chất. Kết thúc Hội nghị, Lãnh đạo các nước đã thông qua Tuyên bố ASEAN-Mỹ về hợp tác an ninh mạng. 

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà Lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ đã tham dự ăn sáng làm việc không chính thức ASEAN-Ấn Độ. Tại buổi làm việc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định nước này tiếp tục đẩy mạnh chính sách “hướng Đông”, chia sẻ quan điểm của Ấn Độ về thúc đẩy hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; nhấn mạnh tôn trọng các nguyên tắc cơ bản và vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực dung nạp, bao trùm. Thủ tướng Modi công bố Ấn Độ cung cấp 1 tỉ USD cho các hoạt động  kết nối cơ sở hạ tầng và hợp tác kỹ thuật số, tiếp tục dự án hợp tác kỹ thuật số với các nước CLMV (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar), cung cấp 1000 học bổng cho các nước ASEAN, thiết lập mạng lưới các trường Đại học ASEAN-Ấn Độ và tổ chức Hội nghị năng lượng tái tạo tại Ấn Độ trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ ASEAN và Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác biển, trong đó có kinh tế biển xanh, đảm bảo an ninh biển; thương mại; đầu tư; kết nối, trong đó có xây dựng đường cao tốc kết nối Ấn Độ với các nước Mekong và các dự án khác ở khu vực này… Thủ tướng khẳng định duy trì môi trường hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không có ý nghĩa quan trọng với tất cả các nước, nhất là các quốc gia ven biển,  hoan nghênh và đánh giá cao sự ủng hộ của Ấn Độ đối với các nguyên tắc và lập trường của ASEAN trong vấn đề này, trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982.

Cũng trong sáng 15/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự HNCC ASEAN + 3 lần thứ 21 giữa các nước ASEAN với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chia sẻ tình hình thế giới và khu vực, Thủ tướng nêu một số sáng kiến tăng cường hợp tác ASEAN+3 như xây dựng Cơ chế cảnh báo rủi ro kinh tế vĩ mô khu vực nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó của các nền kinh tế; đẩy mạnh hợp tác khu vực về cảnh báo sớm thiên tai. Kết thúc Hội nghị, Lãnh đạo các nước ASEAN+3 đã thông qua Tuyên bố các Lãnh đạo ASEAN+3 về hợp tác chống vi khuẩn kháng thuốc vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Hội kiến với Quốc vương Brunei Sultan Hagi Hassanan Bolkiah ngày 15/11, Thủ tướng đề nghị Brunei tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá của Việt Nam tiếp cận thị trường Brunei, thúc đẩy hợp tác lao động, trong đó có hợp tác tại các dự án đầu tư của Việt Nam tại Brunei, hợp tác quốc phòng, hợp tác biển, phòng chống tội phạm, tìm kiếm cứu nạn, tương trợ tư pháp, cùng phối hợp đảm bảo hoà bình, an ninh, ổn định tại Biển Đông, tôn trọng Công ước Luật Biển của Liên Hợp quốc 1982 (UNCLOS). Quốc vương khẳng định sẽ chỉ đạo các giới chức Brunei xem xét các đề xuất của Việt Nam, tiếp tục quan tâm đối xử công bằng với ngư dân Việt Nam theo luật pháp của Brunei.

Hội kiến Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai nước cùng phấn đấu đạt thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2020; Malaysia hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cung ứng thực phẩm Hala, tăng cường hợp tác năng lượng, hợp tác biển; cảm ơn Malaysia đối xử nhân đạo với ngư dân Việt Nam. Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp lập trường, củng cố đoàn kết, vai trò của ASEAN trong vấn đề Biển Đông theo những nguyên tắc và thông lệ đã được ASEAN nhất trí; thúc đẩy thực hiện DOC, xây dựng COC hiệu quả và ràng buộc pháp lý..

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cùng các Lãnh đạo ASEAN và các nước Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Mỹ đã tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 13. Chiều cùng ngày, sau khi tham dự Lễ bế mạc HNCC ASEAN lần thứ 33 và các Cấp cao liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác và lên đường về nước.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam

Hình ảnh tại hội thảo.
(PLVN) - Hội thảo nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức về ngành sản xuất chất bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam, hỗ trợ phát triển năng lực chuyên môn, nghiên cứu của nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam; tạo ra các cơ hội việc làm, thực tập và đào tạo cho sinh viên và các chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản...

Ưu điểm 'xe tăng tốt nhất thế giới' của Nga

Một mẫu xe tăng hiện đại hoá từ nguyên mẫu T-72 của Nga.
(PLVN) - Dù có thiết kế rất đơn giản nhưng xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 của Nga là xe tăng tốt nhất thế giới, hãng tin Sputnik dẫn lời nhà báo Brandon Weichert trên ấn phẩm The National Interest (TNI) của Mỹ khẳng định.

Vì sao UNESCO khuyến nghị bảo tồn di sản nghe nhìn?

Hoạt động kiểm kê phim tại Kho lưu trữ UNESCO. (Ảnh: UNESCO)
(PLVN) - Di sản nghe nhìn là những tư liệu quý giá về lịch sử, văn hóa và sự phát triển của con người. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cùng với các nguy cơ tự nhiên và nhân tạo đang đe dọa sự tồn tại của các tài liệu này. Nhận thức được điều đó, UNESCO đã không ngừng thúc đẩy các sáng kiến bảo tồn di sản nghe nhìn, nhằm đảm bảo tính bền vững và khả năng tiếp cận cho các thế hệ tương lai.