Xung quanh vấn đề đồng tính của binh sĩ Mỹ, chính giới nước này đã có nhiều thay đổi về quan điểm và Mỹ chuẩn bị xóa bỏ lệnh cấm binh sĩ công khai chuyện đồng tính.
Tân Hoa Xã ngày 20/12 đưa tin, Thượng viện Mỹ ngày 18/12 đã thông qua một dự luật cho phép binh sĩ công khai chuyện đồng tính mà không cần phải “cởi bỏ” quân phục. Những người ủng hộ Dự luật so sánh nó với việc bãi bỏ phân biệt chủng tộc ở Mỹ.
Xóa bỏ chính sách "không hỏi không nói"
Ngày 18/12, Thượng viện với 65/31 phiếu, đã quyết định bãi bỏ chế độ “không hỏi, không nói” đối với các binh sĩ đồng tính. Theo dự luật mới, binh sĩ đồng tính có thể công khai xu hướng đồng tính của họ, và không vì vậy mà họ phải rời khỏi quân đội.
Khi còn nắm quyền trước đây, Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 1993 đã đề ra chính sách "không hỏi, không nói", quy định chỉ cần binh sĩ đồng tính không công khai xu hướng đồng tính, thì có thể tiếp tục được phục vụ trong quân đội.
Trước khi chính sách này được ban hành, quân Mỹ cấm người đồng tính tham gia quân đội.
Chủ tịch Uỷ ban Quân sự Thượng viện, người thuộc đảng Dân chủ Carl Levin đã bỏ phiếu tán thành. Ông cho biết, thương vong đầu tiên của quân Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq là một người lính đồng tính.
"Chúng tôi không thể để những người yêu nước thất vọng. Nỗi đau khổ của họ phải chấm dứt". Tổng thống Barack Obama dự kiến sẽ ký dự luật mới trong vòng một tuần.
Obama sẽ ký dự luật
Những người ủng hộ xóa bỏ lệnh cấm cho rằng, việc cấm người đồng tính buộc các binh sĩ phải nói dối, dẫn đến “chảy máu chất xám”.
Dự luật mới có thể được ví với một loạt các cải cách quan trọng của quân đội Mỹ, được so sánh với việc xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc vào thập niên 40, 50 và việc cho phép phụ nữ vào học trường quân sự thập niên 70 của thế kỷ trước.
Ngày 18/12 Obama nói, kết quả bầu cử Thượng viện đánh dấu một chương mới trong lịch sử.
"Chủng tộc hay giới tính, tôn giáo hay tín ngưỡng không thể được đo lường được sự hy sinh, dũng cảm và chính trực, xu hướng đồng tính cũng không thể như vậy. Giờ đây chúng ta phải nhận ra điều đó".
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen là một trong những người thúc đẩy tích cực cho việc bãi bỏ chính sách này.
Ông nói, các binh sĩ Mỹ không cần phải tiếp tục hy sinh sự trung thực để đổi lấy sự phục vụ quân đội, "chúng ta sẽ trở thành một đội quân ưu tú hơn".
Hãng AP dẫn số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Palm, Đại học California cho biết, trên thế giới có ít nhất 25 quốc gia cho phép người đồng tính tham gia quân đội trong tình hình xu hướng đồng tính được công khai, như Anh, Canada và Israel.
Chính sách "không hỏi, không nói" có hiệu lực từ năm 1994 trở lại đây, có khoảng 14.000 binh sĩ đồng tính buộc phải rời khỏi quân đội.
Một số tướng lĩnh cao cấp phản đối
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đại diện cho những người phản đối Dự luật mới cho rằng, việc cho phép binh sĩ công khai đồng tính sẽ làm suy yếu sự gắn kết và sức chiến đấu của quân đội, làm giảm mong muốn tham gia quân đội của mọi người.
Một số tướng lĩnh cao cấp quân đội Mỹ cũng phản đối Dự luật mới. Tư lệnh lượng lượng Thủy quân lục chiến, tướng James Amos cho rằng, quân Mỹ hiện đang chiến đấu ở nước ngoài, không nên xóa bỏ lệnh cấm bây giờ.
Ngày 30/11, phía quân đội Mỹ đã công bố một bản báo cáo điều tra, cho thấy gần 70% binh sĩ tin rằng bên cạnh họ có những đồng đội là người đồng tính, trong đó 90% binh sĩ nói, xu hướng đồng tính của đồng đội không ảnh hưởng đến sức chiến đấu.
Theo VTCnews