Lãnh đạo các ngân hàng hàng đầu của Mỹ tại cuộc điều trần trước Ủy ban điều tra về khủng hoảng tài chính -FCIC (Ảnh: Reuters) |
Ngày 13-1, tại cuộc điều trần đầu tiên về khủng hoảng tài chính, lãnh đạo các ngân hàng hàng đầu của Mỹ đã xin lỗi vì gây ra và tích tụ nhiều sai lầm dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
Trước Ủy ban điều tra về khủng hoảng tài chính (FCIC), gồm 10 thành viên, lãnh đạo các ngân hàng lần lượt thừa nhận ngành ngân hàng đã "gây quá nhiều thiệt hại" cho nền kinh tế Mỹ, buộc chính phủ phải đổ hàng trăm tỷ USD để cứu các công ty trong hơn một năm qua.
Nhiều công ty là lực đẩy lớn cho nền kinh tế, nhưng không có các nguồn lực hiệu quả để đối phó với những nguy cơ khi môi trường thay đổi nhanh chóng. Lãnh đạo các ngân hàng thừa nhận sự cần thiết phải rút ra các bài học từ cuộc khủng hoảng, coi đây là cơ hội để thay đổi thể chế và củng cố niềm tin vào hệ thống kinh tế Mỹ.
Chủ tịch FCIC Phil Angelides cho biết, các cuộc điều trần sẽ được tổ chức trong suốt năm nay và hàng trăm cá nhân sẽ bị chất vấn.
Với tỷ lệ thất nghiệp đạt tới mức cao trong vòng 26 năm qua, sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở Mỹ, tâm trạng tức giận của công chúng về cuộc khủng hoảng, các khoản cứu trợ dùng tiền của những người đóng thuế và các khoản thưởng hậu hĩnh cho các chủ ngân hàng đang gia tăng.
Cuộc điều trần của FCIC có thể "đổ thêm dầu" vào tâm lý bất mãn của dân chúng đối với các ngân hàng và về vai trò của chính phủ trong việc cứu trợ một ngành kinh doanh hùng mạnh bị nhiều người Mỹ coi là tham lam và vô trách nhiệm.
Giới phân tích nhận định chính quyền của Tổng thống Barack Obama và một số thượng nghị sĩ lo ngại về thời gian và tác động tiềm tàng của các cuộc điều trần của FCIC. Mối lo ngại xoay quanh việc "bất kỳ phát hiện nào tạo ra sự phẫn nộ của dân chúng đều có thể làm chệch hướng những thoả hiệp được ký kết tại Nhà Trắng".
Trong khi đó, từ Nhà Trắng, người phát ngôn Robert Gibbs cho biết trong ngày 14-1, Tổng thống Barack Obama sẽ thông báo kế hoạch đảm bảo cho những người đóng thuế có thể thu lại được khoản tiền mà họ đã đóng góp cho các gói cứu trợ, theo đó có thể áp dụng mức phí mới đối với các công ty tài chính lớn nhất nước Mỹ để thu hồi khoảng 120 tỷ USD.
Dự kiến Ủy ban tài chính Hạ viện Mỹ sẽ có cuộc điều trần vào ngày 22-1 để thảo luận vấn đề bồi thường cho các công ty tài chính và phi tài chính.
Cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ tháng 9-2008 đã lan rộng ra toàn cầu, cản trở tăng trưởng, đẩy Mỹ và nhiều nền kinh tế khác rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
TTXVN