Trong nửa năm vừa qua, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên tồi tệ như chưa từng thấy có kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây. Cuộc cạnh tranh giữa hai đối tác này bộc lộ không chỉ ở cuộc xung khắc thương mại nói riêng và trong quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư song phương nói chung mà còn trên nhiều phương diện khác như Đài Loan, hay về chính trị an ninh ở khu vực Biển Đông.
Sự bùng phát và lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra góp phần làm cho mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và giữa Trung Quốc với Anh trở nên thêm căng thẳng và trắc trở. Hai nước này lôi cả Tổ chức Y tế thế giới và Đài Loan vào cuộc để công kích Trung Quốc.
Trong bối cảnh tình hình như thế, Mỹ và Anh lại còn xung khắc thêm với Trung Quốc về Hong Kong. Kể từ khi chính quyền Anh trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997 đến nay, Mỹ và Anh nhiều lần phê phán một số chính sách của Trung Quốc đối với Hong Kong, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở biểu hiện thái độ chính trị.
Nhưng sau khi quốc hội Trung Quốc thông qua bộ luật mới về đảm bảo an ninh ở Hong Kong, phản ứng của Mỹ và Anh không chỉ còn là thể hiện quan điểm thái độ chính trị nữa mà còn đi cùng biện pháp cụ thể. Mỹ, Anh và EU cùng một số đồng minh khác cho rằng với bộ luật mới về an ninh ở Hong Kong, Trung Quốc không còn tuân thủ thoả thuận đã ký với Anh năm 1997.
Cụ thể ở đây là không còn đảm bảo Hong Kong được hưởng quy chế “Một đất nước, hai chế độ” nữa. Mỹ có thêm một con chủ bài mới để gia tăng sức ép đối với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược trên mọi phương diện với Trung Quốc.
Chính phủ Anh phải tìm mọi cách để cứu vãn những gì còn có thể cứu vãn được ở Hong Kong. Đối với phía Anh, chuyện Hong Kong là chuyện thể diện quốc gia và uy tín quốc tế, là chuyện vai trò và ảnh hưởng trong Khối thịnh vượng chung và là chuyện vô cùng nhạy cảm về chính trị xã hội nội bộ. Đối với Mỹ, Hong Kong được nhìn nhận như một điểm yếu và dễ bị tổn thương của Trung Quốc.
Cả hai khai thác tối đa tình thế khó xử của Trung Quốc ở Hong Kong là vừa phải đảm bảo an ninh chính trị và ổn định xã hội vừa phải làm sao cho để bên ngoài cảm nhận được là mô hình “Một đất nước, hai chế độ” được thực hiện rất thành công ở Hong Kong. Bộ luật mới này của Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua.
Trước đó, phía Mỹ đã doạ là nếu Trung Quốc thực hiện luật này thì phía Mỹ sẽ dừng áp dụng mọi chính sách ưu đãi đối với Hong Kong, tức là đối với Trung Quốc đại lục như thế nào thì cũng sẽ đối với đặc khu hành chính này của Trung Quốc như vậy.
Phía Mỹ còn thể hiện kiên định chủ ý này với quyết định trừng phạt một số quan chức trong chính quyền Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc có liên quan trực tiếp tới sự ra đời của bộ luật, bên cạnh đó quyết định cấm xuất khẩu công nghệ và hàng hoá quân sự, quốc phòng sang Hong Kong.
Biện pháp chính sách của phía Anh còn đặc biệt hiểm hóc. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết phía Anh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân ở Hong Kong dễ dàng có được thị thực nhập cảnh vào Anh cư trú lâu dài và gia nhập quốc tịch Anh. Sau khi Trung Quốc chính thức áp dụng luật kia, ông Johnson tuyên bố phía Anh mở cửa biên giới quốc gia cho khoảng 3 triệu người dân ở Hong Kong - tức là khích lệ gần một nửa số dân ở đặc khu hành chính này di cư sang Anh.
Những biện pháp chính sách này sẽ làm cho Hong Kong không còn được như trước nữa đối với Trung Quốc và đối với thế giới bên ngoài về chính trị, kinh tế, thương mại và tài chính. Bộ luật ấy quan trọng đối với Trung Quốc đến mức không thể bỏ. Nói theo cách khác, Trung Quốc không thể lùi với bộ luật này.
Mỹ và Anh cũng không thể rút lại những tuyên bố, phát ngôn hay quyết sách đã được tung ra. Mối quan hệ giữa Mỹ và Anh với Trung Quốc vì thế sẽ còn trắc trở và gay cấn thêm thời gian dài nữa mới hy vọng có khả năng được hoá giải.