Tối 28/4, Sơn Tùng M-TP chính thức ra mắt MV ca khúc 100% bằng tiếng Anh mang tên “There's no one at all”. Đây là ca khúc tiên phong trong sự nghiệp âm nhạc của nam ca sĩ gốc Thái Bình khi mạo hiểm rời ra khỏi vùng an toàn trước đây.
Nội dung MV nói về một đứa bé bất hạnh không gia đình, không bạn bè. Cậu bé ấy đã từng rất cố gắng để được sống như một con người bình thường nhưng số phận lại không mỉm cười mà còn vùi dập và hất đổ đi tất cả bằng những cử chỉ, lời nói ác ý, thậm chí là những lần bị đánh đập từ các bạn đồng trang lứa.
“There's no one at all” xây dựng câu chuyện về một cậu bé không gia đình, bị bạn bè cô lập. |
Cậu bé đó thiếu thốn tình cảm gia đình, sự thấu hiểu của bạn bè, xã hội từ đó dần dần trở nên mất lòng tin, ngỗ ngược, ngông cuồng. Và cuối cùng, cậu bé đã chọn cách tự tử để kết thúc cuộc đời mình, hình ảnh cuối cùng của MV.
Chính chi tiết cuối cùng này của ca khúc "There's no one at all" đã gây ra một làn sóng phản đối của nhiều khán giả.
Một bài viết của khán giả sau khi xem MV này đã nhận được hơn 3 nghìn lượt like, hàng chục lượt chia sẻ trên facebook. Cụ thể, chia sẻ của bậc phụ huynh này như sau:
"Sơn Tùng là ca sĩ có hàng triệu fan hâm mộ trẻ. Trong số đó, rất rất nhiều fan đang ở lứa tuổi học sinh - những đứa trẻ đang ở tuổi "nổi loạn", muốn chứng tỏ bản thân, nhưng lại đang phải chịu nhiều áp lực trong việc học hành, điểm số, thành tích và rất nhiều vấn nạn khác, có thể là bạo lực học đường, bạo lực gia đình, thậm chí là bi kịch cảm xúc tuổi mới lớn...
Thế cho nên, việc Sơn Tùng ra một MV ca nhạc với nội dung trên, xét về mặt truyền thông là cậu ta "bám trend" sau nhiều vụ tử tử của trẻ em xảy ra thời gian gần đây.
Nhưng, không phải trend nào bám vào cũng tốt....
Có thể Sơn Tùng không chủ ý cổ suý cho cách giải quyết vướng mắc cuộc sống bằng nhảy lầu tự tử nhưng vô tình nó lại trở thành một trong những giải pháp! Điều này thực sự nguy hại.
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, rất nhiều trong số những đứa trẻ của chúng ta đang muốn vùng vẫy thoát khỏi phương pháp giáo dục và nề nếp cũ, nhưng cái mới lại chưa đến, chưa được người ta cổ vũ, thừa nhận, nên chúng vật vã trong thế giới của mình. Cái đau đớn ấy, người lớn - đặc biệt những người còn mang tư tưởng giáo dục cũ kĩ - không thể nào hiểu được. Thế cho nên, chúng cô đơn.
Nhưng, là một nghệ sĩ, một người làm văn hoá, Sơn Tùng cần tránh những sản phẩm như trên. Thay vào đó, cậu ta cần đầu tư nhiều hơn về nội dung, thông điệp, để các bạn trẻ nhìn thấy ở đó sự thấu hiểu và bấu víu vào như một chiếc phao, chứ không phải tảng đá nhấn chìm.
Theo tôi, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nên yêu cầu ca sĩ Sơn Tùng gỡ ngay MV ca nhạc nói trên khỏi các kênh trên internet. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần yêu cầu các cơ quan truyền thông gỡ mv ca nhạc này trên các báo nếu đã đăng tải. Đó là việc phải làm để bảo vệ những đứa trẻ của chúng ta".
Hình ảnh cậu bé trong MV “There's no one at all” lựa chọn tử tự để giải quyết vấn đề đang gặp phải sự phản đối của dư luận. Ảnh chụp màn hình |
Khi chia sẻ về “There's no one at all” nam nghệ sĩ cũng mong muốn có thể lan tỏa được tinh thần dám nghĩ, dám làm đến với tất cả các bạn trẻ. “Đằng sau lớp sương mù kia là gì không ai biết cả. Nếu như không bước, thì mãi mãi cả đời chẳng thể biết sau đó có gì. Thế nên, thà bước một lần để biết sau đó là gì còn hơn cứ chần chừ do dự và đến một lúc nào đó lại phải hối hận tự trách bản thân mình rằng tại sao mình đã không dám trong khoảnh khắc đó.
Nhưng thực tế có thể thấy rằng, dù mong muốn mang đến một thông điệp tích cực nhưng cách thể hiện của Sơn Tùng M-TP chưa thực sự đúng khi lựa chọn hình ảnh, nội dung không phù hợp lứa tuổi fans của mình. Và ở thời điểm hiện tại, khi liên tiếp xảy ra các vụ tử tự của trẻ vị thành niên khiến cả xã hội hoang mang, lo lắng. Nhiều người lo ngại, MV “There's no one at all” của Sơn Tùng có thể tạo ra một hiệu ứng domino về tự tử.
Trên thế giới có danh sách 10 bài hát bị cấm lan truyền rộng rãi (hay còn gọi là thập đại cấm khúc) do nhiều người sau khi nghe những ca khúc này chỉ cảm thấy ám ảnh, tiếc nuối và đau thương. Không chỉ dừng lại ở những cảm xúc tiêu cực, một số bài hát còn bị cho là "thủ phạm" gây nên nhiều sự ra đi đầy tiếc nuối của những khán giả nghe phải nó.
Trong số đó có thể kể ra ca khúc "Gloomy Sunday" - "Chủ nhật buồn" khiến hàng loạt khán giả nghe nhạc tự tử. Ca khúc được nhạc sĩ người Hungary - Rezso Seress, sáng tác vào năm 1933 với nỗi lòng của một nghệ sĩ vừa mới thất tình.
Ban đầu, ca khúc bị nhiều hãng đĩa từ chối phát hành nhưng chỉ vài năm sau đó, điệu khúc buồn này được một hãng đĩa chấp nhận và trở thành một hit lớn tại châu Âu.
Sau khi ca khúc này nổi tiếng không lâu, tin tức một vài người "tự sát" hay ra đi trong khi nghe "Gloomy Sunday" bắt đầu râm ran. Tại Berlin, một chàng trai sau khi nghe bài hát đã nói với bạn bè của mình rằng anh bị ca khúc ám ảnh, đến nỗi trầm cảm và rồi dùng súng tự sát.
Chỉ vài ngày sau cũng tại Đức, một cô gái treo cổ tự tử và ngay dưới chân là phổ nhạc ca khúc "Gloomy Sunday", nhiều khán giả khác tại Anh, Mỹ cũng đã tự sát với cái chết liên quan đến ca khúc này. Và chính tác giả cũng không thoát khỏi số kiếp khi ông cũng bị sáng tác của mình ám ảnh đến nỗi tự sát.
"Gloomy Sunday" ca khúc chết chóc bị cấm, hạn chế phát hành trên thế giới. |
Dần dà, "Gloomy Sunday" bị nhiều quốc gia cấm phát hành và trở thành một trong những ca khúc "chết chóc" nổi tiếng nhất.
Mặc cho sự ám ảnh về tâm lý nặng nề, thì nhiều người vẫn rất tò mò tìm kiếm bản nhạc này trôi nổi trên internet để nghe một lần cho biết. Giai điệu sầu thương của nó chính là lý do khiến rất nhiều khán giả trầm cảm trở nên bi quan sau khi nghe phải bài hát này.
Khi thực tế cuộc sống đang có nhiều điều ảnh hưởng tiêu cực tới các bạn trẻ, đặc biệt là các em đang trong độ tuổi đi học thì thiết nghĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thông qua các sản phẩm nghệ thuật của mình thì cần đưa tới, truyền đi thông điệp tích cực. Hãy giúp người trẻ thoát ra khỏi cảm giác tiêu cực, bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, nguyện vọng của bản thân để họ thấy mọi vướng mắc trong cuộc sống đều có thể giải quyết, chứ việc tự tử không phải cách giải quyết vấn đề. Tự tử chỉ đem lại đau khổ cho chính bản thân họ và những người ở lại.