Những “kình ngư” đặc biệt
Nhiều người dân trong vùng nể ông Nguyễn Kính (ở xóm 3, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm), không chỉ bởi ông là thợ lặn trên 30 năm kinh nghiệm, lặn sâu nhất, mà còn bởi ông là thợ lặn… một chân. Hỏi vì sao ông không chọn nghề khác mà chấp nhận công việc vất vả này, ông Kính cười: “Không làm thì chẳng biết nghề gì hết!”.
Không ruộng nương và không phải ai cũng biết kinh doanh buôn bán, nhiều người trong huyện buộc phải bám nghề mưu sinh dưới đáy đầm như ông Kính. Nhưng gian nan như ông thì khó ai so bì. Hàng xóm của ông Kính bảo rằng, người lành lặn làm thợ lặn đã khổ, nhiều rủi ro, ông Kính lại khuyết một chân.
Ông Kính thổ lộ: “Năm 14 tuổi, tôi giẫm phải mìn còn sót lại trong chiến tranh khi đang vui chơi với bạn bè. Thế là chỉ còn một chân. May không mất mạng đấy. Lớn lên bên đầm Thủy Triều, số phận đã gắn kết tôi với nghề chài lưới lặn đầm. Đó là cách duy nhất để tôi mưu sinh mà. Khi tôi còn trẻ, ngày bơi qua đầm mấy lần ấy chứ, bây giờ thanh niên trai tráng còn phải thua xa!”.
Lúc đầu, cha mẹ, anh em khuyên ông Kính dù lặn giỏi, cũng đừng nên lặn kiếm hải sâm, mà đánh bắt trên mặt nước thôi. Nhưng ông không chịu, bảo rằng người ta làm được gì thì cũng phải cố để làm. Và ông đã lao xuống nước và làm một mạch khiến mọi người trên bờ phải “thất kinh”. Từ đó, ông theo nghề lặn để mưu sinh khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.
Ông bảo, vì mất đi một chân, nên trọng lượng cơ thể của ông dồn hết về một phía, do đó, khó khăn lớn nhất là lúc nổi lên mặt nước và trèo lên thuyền. “Tôi không giữ thăng bằng được như người ta, nên để có thể leo lên thuyền, tôi đã phải luyện chiếc chân trái của mình trở nên dẻo dai và thành chân thuận; vì ở dưới nước người sẽ nổi lên, quan trọng là chân có đủ dẻo để giơ lên và bám vào thuyền rồi trèo lên hay không thôi”.
Đến nay, nhiều khi ông vẫn “lặn bộ”, vì ắc-quy có chì bên trong nên không khí không sạch! Với nhiều người bình thường, kể cả khi có sự hỗ trợ của kỹ thuật hiện đại, việc lặn trong thời gian dài cũng không hề đơn giản.
Thành quả sau đêm lặn đầm |
Những ngư dân khác có thể vừa chèo thuyền bằng chân vừa nghỉ ngơi, nhưng ông phải luôn luôn đứng hoặc ngồi xổm trong khi chèo thuyền, vì khớp xương đầu gối của ông đã bị hỏng. Vì lý do này, ông đã sớm trang bị thuyền nhỏ chạy bằng động cơ để có thể tiện lợi hơn trong cuộc sống.
Ông Kính có hai chiếc chân giả, một dùng để đi lại ngày thường, một dùng vào những dịp lễ tết, giỗ họ tộc, và những ngày quan trọng khác. Còn khi xuống biển, ông phải tháo ra vì chân giả rất dễ bục vỡ khi tiếp xúc lâu với nước đầm.
Một “kình ngư” khác, mưu sinh khó nhọc nhưng vẫn bám đầm là anh Huỳnh Văn Tạc, bị điện giật nên bên tay trái bị khòng, cử động rất khó. Vậy nên, khi làm việc, cánh tay phải chịu toàn bộ áp lực công việc, khiến cho các thao tác phần nào bị chậm đi. “Chúng tôi có nhiều người bị tai nạn trong các thao tác mưu sinh bằng bình hơi ở dưới nước. Sinh nghề tử nghiệp mà, nhưng không bỏ được nghề”, anh Tạc cho biết.
Hỏi sao không làm ban ngày mà lại phải lặn đêm, ông Huỳnh Văn Thứ trả lời: “Đánh nổi không kiếm được gì, chúng tôi khai thác dưới tầng đáy. Ở nước bụng đầm thì với người lặn ban ngày hay ban đêm không quan trọng, nhưng ban đêm mới là lúc nhiều loài hải sản cũng đi ngủ, dễ bắt”.
Ông Thứ giơ bàn tay nhăn nheo lên trước mặt, nói: “Tay chúng tôi đã được đeo găng, sẽ dùng để chộp những con bò trên mặt bùn, nhặt con sò hoặc móc tay xuống bùn để lấy hải sâm hoặc con giá”.
Nghe qua thì thấy nhẹ nhàng, nhưng cuộc mưu sinh của người dân dưới đáy đầm không đơn giản như thế. Hơn cả nỗi vất vả, gian khổ, họ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro.
Lặn lội vẫn “ăn đong từng bữa”
Là người lặn đầm và có công cải tiến đồ lặn, ông Trần Phổi, Tổ trưởng khu phố Tân Hải tâm sự: “Đánh bắt giờ khó quá, cạn nguồn rồi. Nhiều người ở đây bị tai nạn, phải cưa chân. Nhưng người ta vẫn đi ra đầm vì chưa biết làm gì khác. Hàng nghìn người vẫn sống nhờ vào nó”.
Rất nhiều người dân cho biết, khoảng sáu, bảy năm trước, một em bé chỉ cần lội men theo hồ một lúc là có thể kiếm được vài kg ngao, nhưng nay người lớn dầm mình mò mẫm cả ngày cũng chỉ được vài kg. Hay mỗi đêm lặn đầm (từ tám giờ tối đến bốn giờ sáng hôm sau), một người dân cũng kiếm được 200 nghìn đồng, nay khá thì được 100 nghìn, còn bình thường chỉ được 50 nghìn.
Tất cả là tại… cái lờ dây! Theo tìm hiểu, lờ dây (hay còn gọi lưới lồng) là một loại ngư cụ dạng bẫy liên hoàn với nhiều lồng bẫy liên kết thành một tay có chiều dài 10m, có khả năng “quét sạch” trong dòng nước.
Hiện tại khu phố Tân Hải có 321 hộ dân, với 1570 nhân khẩu, lại tới 70% số người tham gia việc lặn đáy đầm và đến 90% thu nhập từ nghề. Tương tự, các thôn Bãi Giếng (thị trấn Cam Đức), Suối Cam (xã Cam Thành Bắc), Thủy Triều (xã Cam Hải Đông)… cũng có gần 70% số người sống nhờ đầm Thủy Triều bằng các hình thức lặn đáy đầm và đánh lờ dây.
Như vậy, hàng vạn người sống phụ thuộc vào sự sinh sôi nảy nở của nguồn thủy sản trong đầm, song chính việc sử dụng lờ dây, kích điện khiến cho nhiều loài bị chết, giảm năng suất khai thác.
Thành quả sau đêm lặn đầm |
Theo thông tin của Thanh tra Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Khánh Hòa, địa bàn huyện Cam Lâm có 180 phương tiện đánh bắt sử dụng lờ dây, ước tính khoảng 174.000m, trong đó có 120 tàu, mỗi tàu sử dụng 200 chiếc; 60 tàu còn lại mỗi tàu sử dụng 100 chiếc.
Chỉ vào những bọc giá con trai ông vừa thu mua của người dân để chuẩn bị đưa ra Hà Nội, Hải Phòng, ông Trần Phổi tâm sự: “Đấy, chỉ kiếm được những con đơn giản này, thu nhập của bà con giảm nhiều, trong khi mọi thứ tăng. Có nhà vừa làm vừa ăn đong từng bữa”.
Cách đây mấy năm, những người có trách nhiệm trong khu phố Tân Hải đã vận động người dân… “nói không” với lờ dây! Nhưng kết quả thu được không nhiều.
Từ năm 2008, UBND huyện Cam Lâm cũng có Chỉ thị về tăng cường quản lý việc khai thác, đánh bắt thủy sản, có mục cấm lờ dây, bẫy rập, nghề đáy. Tuy nhiên theo đại diện huyện, vẫn dừng ở mức tuyên truyền là chính, chưa có chế tài xử lý.
Ông Nguyễn Văn Đẩu - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nha Trang trải lòng: “Chúng tôi chưa được tỉnh giao cho tuần tra, kiểm soát đánh bắt trên mặt nước. Trước năm 2007 thì thuộc thẩm quyền của chúng tôi, nhưng sau đó thuộc về Thanh tra Sở NN&PTNT. Hai năm một lần, chúng tôi vẫn thả con giống xuống đầm, nhưng ngay cả con giống cũng bị “tóm” ngay lập tức”.
Cũng “bí” trong khâu xử lý vấn đề trên, ông Lê Văn Dũng - Chánh thanh tra Sở NN&PTNT cho hay: “Chưa có văn bản pháp luật nào cho phép thanh tra bắt phạt đối tượng dùng lờ dây. Chúng tôi chỉ có thể phối hợp với cảnh sát giao thông biển khép vào tội thả lờ làm ảnh hưởng đến an toàn đường biển thôi. Và có làm thì bà con cũng phản ứng dữ dội. Ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của họ mà”.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa cho biết: Ngành đang nghiên cứu tìm giải pháp việc làm cho bà con và bắt đầu triển khai công tác đào tạo nghề cho ngư dân ở đầm Thủy Triều.