Mướp đắng còn có tên gọi là khổ qua. Theo Đông y, loại quả này có vị đắng, tính hàn, không độc, giúp bổ huyết, bổ thận, kiện tỳ, giải độc, nhuận tràng, tiêu đờm… nếu dùng thường xuyên sẽ giúp giảm các bệnh ngoài da, làm cho da dẻ mịn màng.
Các nhà khoa học đã phát hiện mướp đắng chứa một loại protein hoạt tính, có khả năng phòng ngừa ung thư rất hiệu quả. Loại protein này kích thích hệ miễn dịch, loại trừ độc tố trong cơ thể, ức chế hoạt tính các men tổng hợp glucose, tăng ôxy hóa glucose. Nhờ chứa hợp chất có tác dụng tương tự như insulin, mướp đắng giúp hạ đường huyết rõ rệt, rất tốt đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.
Vitamin C, vitamin B1 và các hoạt chất beta-caroten, phosphor, adenine... trong mướp đắng có tác dụng chống các gốc tự do - nguyên nhân gây lão hóa và phát sinh các bệnh tim mạch, giảm cholestrole trong máu, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tổn thương thần kinh, viêm đường tiết niệu.
Một số bài thuốc thông dụng từ mướp đắng:
Mụn nhọt, rôm sẩy:
Dùng quả hay dây mướp đắng, đun sôi kỹ lấy nước, để nguội tắm mỗi ngày sẽ khỏi.
Hoặc: Thái nhỏ 200g mướp đắng tươi, sắc 3 lần với nước, mỗi lần lấy 1 bát, tất cả cô lại còn 1 bát, chia làm 3-4 lần uống (hoặc vừa uống vừa bôi) trong ngày. Trẻ em dùng nửa liều trên.
Say nắng phát sốt:
Lấy 60g mướp đắng, 30g cuống lá sen, 30g đậu ván trắng sắc nước uống trong ngày. Nếu trường hợp bị nhẹ chỉ cần dùng 15g mướp đắng bỏ lõi phơi khô, sắc nước uống.
Hạ nhiệt, giải độc:
Mướp đắng một lượng vừa đủ, phơi hoặc sấy khô, mỗi ngày dùng 15g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Thanh nhiệt, sáng mắt:
Rửa sạch 500g mướp đắng tươi, cắt lát, cho vào nồi, thêm 250ml nước, nấu khoảng 10 phút, uống trong ngày thay nước.
Huyết áp cao:
Dùng 60-80g mướp đắng tươi, 200g rau cần sắc nước uống trong ngày, liên tục 7-10 ngày (một liệu trình).
Tiểu đường:
+ Lấy mướp đắng tươi rửa sạch, cắt nhỏ, đun sôi uống thay trà trong ngày. Cũng có thể dùng mướp đắng phơi hoặc sấy khô, tán thành bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g bằng nước đun sôi.
+ Quả mướp đắng tươi rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ, bỏ hạt, cho vào máy xay sinh tố xay nhỏ, sau đó lọc qua túi vải vắt lấy nước, đun sôi 15 phút. Bã cho thêm nước đun sôi, để nhỏ lửa trong 15 phút, lấy ra để nguội, vắt lấy nước (làm 2 lần). Bỏ bã, đổ lẫn 3 lần nước lại với nhau và tiếp tục đun sôi khoảng 15 phút. Chia hỗn hợp trên thành 10 liều, mỗi ngày uống 1 liều ngay sau bữa ăn. Phần còn lại bảo quản trong tủ lạnh dùng dần.
Lưu ý: Những người tỳ vị hư hàn, thường bị tiêu chảy, hay không nóng trong người thì không nên dùng mướp đắng thường xuyên vì dễ làm lạnh bụng và tiêu chảy.
Không được dùng chung mướp đắng (ở mọi dạng chế biến) với huyền sâm, hoặc các chế phẩm có huyền sâm.
Cách làm trà mướp đắng
Được y học hiện đại chứng minh là đồ uống có lợi nhất cho việc hấp thụ của cơ thể, trà mướp đắng có thể phát huy được đến 80% thành phần dinh dưỡng, giúp thanh nhiệt, chống say nắng. Dưới đây là cách chế biến:
Cách 1: Cắt mướp đắng thành từng miếng mỏng, cho lên chảo sấy khô, để nguội sau đó cho vào hộp đậy kín, cất trong ngăn đá của tủ lạnh (có thể để được 2 tháng). Khi dùng cho nước nóng vào pha như pha trà bình thường, mỗi ngày uống 3-4 chén.
Cách 2: Cắt bỏ một phần của quả mướp đắng, móc bỏ ruột, nhét trà xanh vào, treo ở nơi thoáng gió khoảng 5-7 ngày rồi lấy xuống, rửa sạch, cùng trà cắt nhuyễn, trộn đều, mỗi lần lấy 10g cho vào cốc, hãm với nước sôi.