Mặc dù đã được cấp sơ thẩm giải quyết cơ bản, thấu tình đạt lý, nhưng cấp phúc thẩm lại cho rằng biên bản tạm giao đất của cấp xã có giá trị hơn quyết của UBND huyện, khiến vụ việc kéo dài gây khổ cho dân và đau đầu cơ quan chức năng?
Mượn sổ đỏ không trả
Năm 1991, ông Phan Văn Chính (trú xóm Chiềng, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cùng em trai được Hợp tác xã Chiềng Bãi, UBND xã Tất Thắng và Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Sơn tạm giao 13,2 ha đất lâm nghiệp tại đồi Đồng Nai để trồng rừng.
Quá trình sử dụng, ông Chính không chuyển nhượng, cho ai thuê, mượn diện tích rừng nói trên nhưng vào năm 1997, UBND xã Tất Thắng lại giao 11,2 ha trong số đất rừng nói trên cho 4 các ông Nguyễn Xuân San, Đào Văn Quyết, Đinh Văn Lưu, Đào Xuân Trường (xã Tất Thắng).
Vụ án có nhiều khuất tất ở cấp phúc thẩm với 5 lần hoãn phiên tòa đến khó hiểu, đồng thời HĐXX “bị” thay đổi đến 3 lần khiến vụ án bị kéo dài... |
Mặc dù vậy, năm 2000, khi thực hiện chủ trương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất đồi rừng thì chỉ có ông Chính kê khai, 4 hộ dân được “tạm giao” năm 1997 không có ý kiến gì. Kết quả, ông Chính được cấp sổ đỏ diện tích được tạm giao năm 1991.
Nhưng sau đó, cán bộ xã Tất Thắng đến “mượn” ông Chính sổ đỏ với lý do “để giải quyết tranh chấp” và “giam” Sổ đỏ đến năm 2009 khiến ông Chính phải khởi kiện vụ án đòi đất đối với 4 người được xã “tạm giao” đất chồng lấn lên đất của mình.
Yêu cầu đòi đất của nguyên đơn được HĐXX TAND huyện Thanh Sơn chấp nhận vì cho rằng, quá trình cấp sổ đỏ được tiến hành công khai, thông báo rộng rãi nhưng các bị đơn không thực hiện kê khai. Trong khi đó, hồ sơ xin cấp sổ đỏ của ông Chính là đủ điều kiện, không có khiếu nại tại thời điểm cấp.
Vi phạm tố tụng
Đến cấp phúc thẩm, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ lại cho rằng, việc lập hồ sơ cấp sổ đỏ trên của ông Chính đã “chồng lấn lên diện tích đất tạm giao” cho 4 hộ dân; Khi cấp Giấy, UBND xã Tất Thắng không có quyết định xử lý (thu hồi, tạm giao, giải quyết bồi thường tài sản trên đất…) trong việc tạm giao đất trước đó. Vì vậy, 4 hộ dân “đương nhiên là chủ sở hữu tài sản và là chủ quyền sử dụng đối với 11,2 ha đất rừng tại khi Đồng Nai chứ không phải họ chiếm hữu quyền sử dụng đất của ông Chính”… . Cùng với một số quan điểm khác, cấp phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm trả hồ sơ để xét xử lại.
Có thể thấy rằng, việc ông Chính được cấp sổ đỏ năm 2001 là việc Nhà nước thừa nhận quyền sử dụng đất của ông Chính (được giao năm 1991) chứ không phải tiến hành giao đất mới. Vì vậy, không thể coi đây là sự kiện ông Chính được giao đất mới, chồng lấn lên đất của 4 bị đơn được tạm giao năm 1997 như quan điểm của Tòa cấp phúc thẩm.
Ngược lại, chính 4 bị đơn này đã được “tạm giao” đất chồng lấn lên đất của ông Chính được tạm giao năm 1991. Mâu thuẫn ở chỗ, cùng là “tạm giao đất” nhưng Tòa cấp phúc thẩm lại bác bỏ việc “tạm giao” trước của nguyên đơn và công nhận “tạm giao” sau của 4 bị đơn trong khi “tạm giao” này có chuyện chồng lấn đất và không có đại diện của Hạt kiểm lâm và Hợp tác xã. Và rồi, sổ đỏ được cấp hợp pháp lại “chịu thua” văn bản tạm giao đất của cấp xã? Đây là quan điểm của HĐXX cấp phúc thẩm do ông Lê Minh Chất – Chánh Tòa dân sự làm chủ tọa.
Như Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, vụ án có nhiều khuất tất ở cấp phúc thẩm với 5 lần hoãn phiên tòa đến khó hiểu, đồng thời HĐXX “bị” thay đổi đến 3 lần khiến vụ án bị kéo dài và vi phạm tố túng nghiêm trọng.
Trả lời vấn đề này, ông Chất nói như “đinh đóng cột” lý do hoãn phiên tòa, thay đổi HĐXX, đúng đường lối xét xử hay không sẽ được thể hiện trong bản án phúc thẩm!? Nhưng tiếc thay lời nói của vị thẩm phán này chẳng khác gì cán cân công lý bị bẻ cong.
Theo Luật sư Nguyễn Trung Thành – Cty Luật TNHH LAVI, việc TAND tỉnh Phú Thọ cho rằng việc cấp GCNQSDĐ cho ông Chính là chồng lấn lên diện tích đất tạm giao cho 4 hộ dân là không đúng, chưa xét toàn diện nội dung vụ việc, xem xét giải quyết vụ án chưa được khách quan.
Bởi lẽ năm 1991 hộ ông Chính đã được UBND xã tạm giao đất để trồng rừng, nên khi muốn giao lại cho người khác sử dụng thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải có quyết định thu hồi và lập phương án đền bù đối với người sử dụng, sau đó mới được giao cho người khác sử dụng.
Nhưng ở đây việc đó không thể thực hiện được vì đất giao cho hộ ông Chính sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch thì cũng không thể thu hồi của cá nhân này giao cho cá nhân khác sử dụng cùng mục đích. Do vậy, năm 1997 UBND xã Tất Thắng lại có biên bản tạm giao diện tích đất đó cho 4 hộ gia đình khác là trái pháp luật. Việc này cần phải được xem xét đối với hành vi vi phạm về quản lý đất đai của cán bộ xã Tất Thắng.
Về việc cán bộ UBND xã Tất Thắng có hành vi mượn ông Chính GCNQSDĐ và không trả lại có thể được coi là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì GCNQSDĐ được coi là giấy tờ có giá.
Hoài Tuấn