[links()]
Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh 1 buổi sáng nóng nực. Đại tá Kiều Viết Thông, giám thị trại hồ hởi: “Những ngày này ở trại tạm giam chúng tôi phải xoay như chong chóng vì đủ thứ việc. Nhưng niềm vui khi được mang lại niềm vui cho những phạm nhân và chính gia đình họ thì khó mà diễn tả lắm”. Rồi đại tá Thông đưa chúng tôi đến phòng tiếp dân, nơi mà những phạm nhân được đặc xá đợt này đã ngồi ở đó. Những gương mặt già có, trẻ có, ánh lên những niềm vui rạng rỡ. Cũng phải. Không vui sao được khi cánh cửa tự do đã rất gần với họ.
Phạm nhân Nguyễn Đình Hạnh, SN 1984, quê ở Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên là người chúng tôi gặp đầu tiên. Hạnh gầy gò, khắc khổ. Hạnh cũng đã vào trại tam giam hơn 1 năm. Nhắc lại chuyện đã qua, hình ảnh về buổi tối định mệnh như vẫn hằn sâu vào tâm trí Hạnh.
Khi đó, Hạnh mới bước sang tuổi 20, đang là bí thư chi đoàn thôn. Nhưng rồi, sau 1 đêm rượu say, cậu bạn của Hạnh thổ lộ muốn vào Đà Nẵng tìm một công việc rồi lập nghiệp ở trong đấy. Nhưng anh này nhà nghèo, không có nổi tiền để mua 1 vé xe vào Đà Nẵng. Thế là cả 3 bàn nhau, đêm 3/9/2004, vào “xin” lộ phí ở 1 công trường trong dựng ở gần đó.
“Chúng tôi chỉ “xin” đúng 180 ngàn để đủ lộ phí cho tôi và bạn tôi vào Nam. Nhưng không ngờ hành động của chúng tôi đã bị những người ở công trường xây dựng tố cáo. Chúng tôi bị truy tố. Bản thân tôi sau khi biết chuyện đã chạy trốn lên Hà Giang và lấy vợ ở trên đó. Không thể sống chui lủi mãi được. Đứa con con trai ra đời đã tạo thêm niềm tin cho tôi ra đầu thú để làm lại cuộc đời”, Hạnh nhớ lại.
Phạm nhân Nguyễn Đình Hạnh đang chờ đợi được nghe con gọi tiếng “Bố” không phải ở trong 4 bức tường trại giam |
Hạnh bị tuyên phạt 3 năm 7 tháng tù giam. Thụ án đến nay đã được 1 năm 3 tháng. Cải tạo tốt, Hạnh được đặc xá đợt này. Người đâu tiên Hạnh báo tin là vợ. Đứa con Hạnh năm nay cũng đã lên 4 tuổi. Thi thoảng cháu vẫn được mẹ đưa vào thăm bố. Ở nhà, cháu nhắc đến bố luôn. “Ngày biết mình được đặc xá, tôi chỉ muốn khóc. Thời gian đang trôi dần đến ngày tự do. Tôi chỉ muốn về, về thật nhanh để được bế con trai tôi trên tay để tận hưởng cảm giác của một người cha tự do. Để được nghe con gọi 1 tiếng “Bố” không phải ở trong 4 bức tường trại giam”, Hạnh chia sẻ.
Một phạm nhân đặc biệt được ân xá mà tôi gặp ở trại là Phạm Văn Thiện, SN 1956, quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Phạm nhân Thiện kể, ngày Thiện vào trại là lúc đứa cháu mới được 4 tháng tuổi. Nhưng chưa kịp gặp mặt thì trong một lần, cùng 1 số người trong thôn vây đánh 2 kẻ trộm chó, Thiện đã lỡ tay giết chết một người. Bản án 4 năm là sự khoan hồng của nhà nước vì mẹ Thiện là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Rồi Thiện vào trại, tin vui liên tiếp đến khi các con của Thiện sinh thêm 2 cháu nữa. Sau đó, phạm nhân Thiện nghe tin mẹ ốm đau đã lâu, bây giờ nằm liệt giường. Những động lực đó đã thôi thúc Thiện ngày đêm cải tại để được tự do.
Thế rồi, chỉ hơn 1/3 thời gian thụ án, cánh cửa tự do đã mở ra với Thiện. “Khó diễn tả lắm cán bộ ạ. Từ giờ đến khi bước qua cánh cổng sắt mà trước đây tôi vẫn nhìn vào và mơ ước được bước ra chỉ còn 2 ngày nữa thôi. Tuổi đã già. Không khao khát gì hơn là được về đoàn tụ với gia đình, được bế những đứa cháu chưa được nhìn mặt ông bao giờ. Được về và chăm sóc mẹ tôi trong những ngày cuối cùng của cuộc đời bà”, Thiện tâm sự trong nước mắt.
Ngày được trở về với tự do của các phạm nhân ở Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh được ấn định là ngày 31/8. Chỉ còn 2 ngày nữa, 2 ngày cuối của cuộc sống thiếu tự do, thiếu hơi ấm của những vòng tay bố mẹ, vợ con.
Nhìn vào ánh mắt của 18 con người ấy, tôi tin quá khứ của họ đã nằm lại ở phía sau. Và vòng tay nhân ái từ cộng đồng chính là liều thuốc không có gì quý hơn để họ hướng về tương lai.
Hoàng Phan