Sáng 3/11, Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 đã tổ chức hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng nhằm lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - đồ án quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong xây dựng quy hoạch, nhất là trong bối cảnh phải tập trung cho phòng chống dịch bệnh, hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quý IV/2021. Đây là công việc rất quan trọng để có sớm quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó huy động nguồn lực để triển khai các dự án đầu tư.
Những năm qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển, tuy nhiên, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng của vùng. Do đó, theo Phó Thủ tướng, quy hoạch là công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng, dẫn dắt đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch triển khai quy hoạch cũng rất quan trọng, bởi nếu không tổ chức thực hiện có hiệu quả thì sẽ trở thành quy hoạch “treo”.
Sau khi có quy hoạch, các địa phương chủ động lên kế hoạch, phân kỳ đầu tư, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án.
Dẫn chứng về sự phát triển của thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng cho biết, đối với địa phương này, 90% nguồn vốn đầu tư phát triển là từ doanh nghiệp và người dân, chỉ có 10% nguồn vốn là từ ngân sách Nhà nước. Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
“Muốn huy động doanh nghiệp vào thì phải trên cơ sở đã có quy hoạch. Chúng ta mời họ vào khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư các hình thức như PPP”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương quan tâm hơn nữa đến các dự án đã được đưa vào danh mục trong quy hoạch vùng. Cần nỗ lực triển khai nhanh thủ tục đầu tư. Đối với các dự án dự kiến sử dụng vốn ODA, phải đẩy nhanh quá trình chuẩn bị, để có thể giải ngân được ngay khi bố trí vốn.
Bên cạnh đó, phải tập trung quản lý tổng hợp tài nguyên nước dựa trên đánh giá tác động và khả năng đáp ứng của nguồn nước. Cần xác lập nguyên tắc tổng thể về việc vận hành các hệ thống hạ tầng liên quan đến nước để đảm bảo phát triển bền vững, hạn chế tối thiểu các tác động tiêu cực của các hoạt động phát triển lên môi trường, hệ sinh thái tự nhiên của vùng…