Hỏi: Năm 2016, trong bản án ly hôn với chồng cũ, tôi được tòa án giao quyền nuôi dưỡng con gái khi đó 6 tuổi. Dù bản thân tôi có thể tự lo cho con một cuộc sống khá giả nhưng tôi vẫn yêu cầu chồng cũ phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con hàng tháng, bản án tuyên mức cấp dưỡng cho con mỗi tháng 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, từ đó đến nay chồng cũ không hề thực hiện trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con; và mặc dù chúng tôi sống trong cùng một thành phố nhưng anh ta cũng không thăm hỏi, quan tâm, ngó ngàng gì đến con gái.
Nay tôi kết hôn với chồng mới là người nước ngoài và muốn đưa con gái ra nước ngoài sinh sống với mẹ và cha dượng, bảo đảm điều kiện sẽ tốt hơn về sự phát triển mọi mặt của cháu. Xin hỏi trường hợp tôi đưa con ra nước ngoài thì có phải được sự đồng ý của chồng cũ hay không? (chị Hoàng Quỳnh Anh, 32 tuổi ở TP Hồ Chí Minh)
Luật sư tư vấn: Vấn đề chị hỏi pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc khi một bên vợ/chồng muốn đem con ra nước ngoài sinh sống thì có cần phải được sự đồng ý của cha/mẹ đứa trẻ là vợ/chồng cũ của mình hay không?
Tuy nhiên, xét trường hợp chị là người được giao quyền trực tiếp nuôi con nên việc chị quyết định đưa con ra nước ngoài cùng mình để con được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tốt hơn là việc làm phù hợp với pháp luật. Con gái chị nay đã 10 tuổi nên theo quy định của pháp luật thì chị phải hỏi ý kiến của con về việc có đồng ý cùng mình ra nước ngoài sinh sống hay không và cần phải tôn trọng quyết định của trẻ, nếu trẻ muốn sống với cha tại Việt Nam và cha của trẻ đủ điều kiện để chăm sóc, giáo dục trẻ.
Dù chị nói chồng cũ của chị hoàn toàn không quan tâm, thăm nom, cấp dưỡng cho con nhưng theo quy định tại khoản 3 Điều 82 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì chồng cũ của chị là người không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền, nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc con.
Cụ thể khoản 3 Điều 82 quy định: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Như vậy, rõ ràng việc sau này chị đưa con ra nước ngoài sinh sống đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến quyền được tự di thăm nom, chăm sóc con của người chồng cũ đối với con.
Thực tiễn cho thấy, để chuẩn bị cho việc đưa trẻ em ra nước ngoài sinh sống thì khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, cơ quan chức năng vẫn yêu cầu hồ sơ bắt buộc phải có sự đồng ý bằng văn bản của cả cha và mẹ đứa trẻ.
Như vậy, dù không muốn nhưng chị vẫn phải trao đổi và thoả thuận trước với người chồng cũ, động viên thuyết phục chồng cũ hãy vì tương lai và quyền lợi mọi mặt của con mà đồng ý với việc cho con gái ra nước ngoài sinh sống cùng với mẹ. Chúc mẹ con chị toại nguyện được mong muốn.