“Nếu coi thường, không quan tâm đến công tác kiểm tra, hoặc không dám đương đầu, cho rằng không phải việc của mình, tốt nhất để cho nhiệm kỳ sau thì sẽ nảy sinh những vụ việc phức tạp…Tất cả phải cùng vào cuộc, nếu một số mắt xích trong hệ thống mà không chuyển động thì có thể cả hệ thống sẽ phải trả giá đắt. TP đã chuyển sang cơ quan điều tra 18 vụ án lớn.
Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của TP, chúng ta không thể đùn đẩy cho bất kỳ ai. Chúng ta muốn đảng bộ trong sạch, vững mạnh thì bắt buộc phải xử lý nghiêm các trường hợp có tồn tại lớn, vi phạm pháp luật, gây dư luận bức xúc như vậy” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Từ thực tiễn vừa qua, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chỉ ra, công tác kiểm tra, giám sát của TP vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Một số cuộc kiểm tra, giám sát vẫn nặng tính hình thức, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan vẫn chưa tốt… Do đó, năm 2018, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp của TP cần phải nhận thức rõ, sâu sắc vai trò của công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng Đảng, coi đây là phương thức để đảm bảo chức năng lãnh đạo của Đảng.
Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, dân chủ, công khai, thận trọng, chặt chẽ, đặc biệt phải lấy phòng ngừa làm chính. “Làm sao mỗi lần kiểm tra, giám sát phải phát hiện ra được những bất cập trong hệ thống quản lý của chúng ta để góp ý xây dựng chứ không phải lấy kỷ luật làm chính.
Mỗi lần kiểm tra, giám sát xong phải làm sao nâng cấp được trình độ quản lý, chất lượng công tác cán bộ của các đơn vị, cán bộ được kiểm tra, đấy mới là đúng và nhân văn…” - ông Hoàng Trung Hải lưu ý.