Những lớp học đặc biệt
Ở TP HCM, đều đặn hàng tuần, có những lớp học đặc biệt dành cho các “học sinh” đã ngoài 70, 80 tuổi. Đó là lớp học do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ quận 1, đã tổ chức hơn 10 năm nay nhằm tạo ra không gian sinh hoạt cho người cao tuổi. Lớp học hướng dẫn các cụ ông, cụ bà sử dụng những ứng dụng hiện đại như chuyển khoản tiền qua app của ngân hàng, kết nối Zalo, Facebook để tiện gọi điện, nhắn tin thăm hỏi bạn bè, con cháu.
Tại lớp học, có những cụ ông, cụ bà đã gần 90 tuổi, từ không biết một chút nào về công nghệ. Hiện nay, các cụ đã vượt qua rào cản, tự tin sử dụng thuần thục Email, Facebook, Tiktok chuyển và nhận tiền qua ứng dụng trên điện thoại, đặt đồ ăn qua ứng dụng, gọi video cho con cháu, tìm kiếm thông tin trên mạng và thậm chí tham gia các nhóm chia sẻ kinh nghiệm sống trên mạng xã hội…
Ở tại Hà Nội, vài năm trước đây, lớp học của Đại tá về hưu Nguyễn Minh Đức (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) đã “xóa mù” tin học miễn phí cho hàng chục người cao tuổi trong khu, góp phần hỗ trợ triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn. Được biết, khi mới về hưu, ông Nguyễn Minh Đức cũng là một người không thành thạo công nghệ thông tin. Ông được con trai mua tặng cho một chiếc máy tính, sau nhiều lần tự mày mò, tìm hiểu ông đã dần sử dụng thuần thục.
Nhận biết được khó khăn của các cụ ông, cụ bà đồng trang lứa, vị Đại tá này đã mở lớp học nhỏ hướng dẫn những người cao tuổi trong địa bàn. Với việc làm của mình, ông đã nhận được Bằng khen của UBND TP Hà Nội vì có thành tích trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và Bằng khen “người tốt, việc tốt” của huyện Chương Mỹ.
Hiện nay, với số lượng người sang nước ngoài, lên các thành phố lớn học tập, làm việc ngày càng nhiều. Những người cao tuổi thường chịu đựng nỗi nhớ thương con cháu, tâm trạng cô đơn, trống vắng. Các công nghệ như Zalo, Facebook, Youtube,... trở thành không gian để giúp họ giải tỏa cô đơn. Nhưng không phải người cao tuổi nào cũng có thể dễ dàng sử dụng thành thạo các ứng dụng, app điện thoại hiện đại.
Theo báo cáo Sự thật và số liệu năm 2020 của Liên minh Viễn thông Quốc tế - ITU, các nước kém phát triển có tỷ lệ dân số sử dụng Internet là 19%. Trong đó, người cao tuổi thường thiếu thuận lợi hơn khi sử dụng thiết bị kỹ thuật số. Lý do, người lớn tuổi thường hay quên, cách sử dụng một số sản phẩm công nghệ lại khá phức tạp, cần nhiều bước để vận hành.
Một cuộc khảo sát của Hội Người cao tuổi Việt Nam gần đây cho thấy, khoảng 60% người cao tuổi cảm thấy khó hòa nhập với con cháu do khoảng cách thế hệ và sự khác biệt về lối sống. Khoảng 40% người cao tuổi cho biết, họ gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ hiện đại, làm tăng cảm giác bị lạc lõng và cô đơn…
Có một thực tế, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc tìm hiểu và thích ứng với thiết bị công nghệ thông minh là rất cần thiết và người cao tuổi cũng không ngoại lệ. Việc “sành sỏi” công nghệ giúp người cao tuổi dễ dàng kết nối con cháu, bạn bè, chăm sóc sức khoẻ, cập nhật thông tin... một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, do không có thói quen sử dụng công nghệ, nên nhiều người già trở nên lạc lõng, tụt hậu trong thế giới hiện nay. Con cháu của họ bận rộn nên không có nhiều thời gian hướng dẫn ông bà, cha mẹ sử dụng điện thoại, máy tính.
Vì vậy, để hòa nhập với cuộc sống hiện đại, nhiều lớp học sử dụng công nghệ đã được mở ra. Nơi đây trở thành một “sân chơi” bổ ích cho các cụ già. Các cụ vừa được học sử dụng các trang mạng xã hội phổ biến, vừa kết bạn, giao lưu với nhau để cùng sống vui, sống khỏe.
Cần nhân rộng mô hình lớp học công nghệ cho người cao tuổi
Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều lớp học sử dụng công nghệ cho người già. (Nguồn: Tinhte.vn) |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh người cao tuổi Việt Nam trong mọi thời đại lịch sử luôn xứng danh là rường cột quốc gia, xả thân vì xã tắc, là ngọn đuốc bất diệt thắp sáng tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, trường tồn dân tộc.
Năm 2023, Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu người, độ tuổi từ 65 trở lên chiếm 11,86%, dự báo tăng 17% vào năm 2030 và có thể tăng 25% vào 2050. Người cao tuổi thường cần được chăm sóc cả về mặt sức khỏe và tinh thần. Công nghệ hiện đại như điện thoại cảm ứng, máy tính, AI,... đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, thay đổi từng ngày.
Hiện nay, xu hướng già hóa dân số trên thế giới đang ngày một tăng cao. Với trình độ học vấn trung bình cao, sức khỏe được chăm sóc tốt, người cao tuổi sẽ nhận nhiều lợi thế trong thời đại công nghệ.
Lấy ví dụ, trong một báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, có nhiều nước lớn trên thế giới đang hướng đến áp dụng những chính sách công nghệ giúp cải thiện sức khỏe của người cao tuổi, tăng cường kỹ năng và mở rộng thời gian làm việc và hỗ trợ tìm việc làm phù hợp, theo nhận định.
Ngoài ra, những quốc gia có tỷ lệ lão hóa nhanh và trình độ học vấn trên mức trung bình sẽ có lợi từ việc triển khai công nghệ tự động hóa và nâng cao năng suất lao động để bổ sung cho nguồn cung lao động thấp đối với công việc thường nhật.
Vì vậy, để người cao tuổi hòa nhập với cuộc sống, cần có nhiều, đa dạng các lớp công nghệ thông tin luôn được cập nhật những xu thế mới, sẵn sàng giúp người cao tuổi thích nghi với thời đại. Hiện nay, ở Việt Nam đã có một số lớp đào tạo công nghệ cho người già. Tuy nhiên, chỉ tập trung ở một số thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ,... Còn ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi chưa có khái niệm phổ cập kiến thức công nghệ trong thời hiện đại.
Các lớp học công nghệ thông tin sẽ giúp người già hòa nhập với cuộc sống. (Nguồn: Khoahoctre) |
Đặc biệt, đây là một “khoảng trống” cần được lấp đầy để bảo đảm cuộc sống vui khỏe, an toàn cho người cao tuổi. Vì thực tế, không gian mạng, vừa là “thế giới phẳng” kết nối mọi người với nhau. Nhưng đồng thời, công nghệ thông tin là một mối nguy hiểm cho người cao. Trên không gian “ảo” có rất nhiều chiêu trò bịp bợm, khiến hàng nghìn người bị lừa mất tiền mỗi ngày. Cho nên, ngoài việc dạy người cao tuổi sử dụng công nghệ, cần trang bị thông tin cần thiết về rủi ro trên thế giới mạng cho họ.
Một khảo sát về an toàn thông tin trực tuyến do Google thực hiện với hơn 1.248 người dùng Internet Việt Nam vào vài năm trước đây, cho thấy 90% người dùng đã từng tiếp xúc với lừa đảo trực tuyến và hơn 70% từng là nạn nhân. Trong đó, nhóm tuổi trên 55 đặc biệt dễ bị tổn thương với 49% đã từng bị lừa đảo. Ba lý do chính khiến người lớn tuổi “sập bẫy” lừa đảo trực tuyến là bởi họ không nhận ra tình huống là một trò lừa đảo chiếm 48%; giao dịch hoặc giải thưởng có vẻ hấp dẫn chiếm 39%, cảm thấy tò mò chiếm 38%.
Cho nên, để xây dựng một không gian mạng tiện ích, an toàn cho người cao tuổi. Điều đầu tiên các tỉnh, địa phương cần tích cực mở những lớp dạy các cụ tự tin sử dụng công nghệ. Thứ hai, tuyên truyền thông tin nâng cao cảnh giác cho người cao tuổi khi dùng mạng xã hội.
Như Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở - Bộ TT&TT, Nguyễn Văn Tạo đã đưa ra 3 khuyến nghị khi Việt Nam đang triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đòi hỏi phải phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho toàn dân, trong đó có nhóm người cao tuổi vốn thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận, sử dụng công nghệ, thiết bị số trong đời sống hằng ngày.
Các nước trên thế giới đã có những mô hình rất thiết thực giúp người cao tuổi hòa nhập với không gian mạng. Như Chính quyền Thủ đô Seoul ở Hàn Quốc công bố Chương trình củng cố kiến thức kỹ thuật số nhằm hỗ trợ người cao tuổi từ năm 2022. Để triển khai Chương trình, Chính quyền Seoul ban hành chính sách hợp tác với các công ty tư nhân phát triển thiết bị đầu cuối kết nối tự động và dễ sử dụng.
Còn tại Singapore, Chính phủ Singapore khởi động Chương trình người cao tuổi chuyển sang kỹ thuật số (Seniors Go Digital) nhằm nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số cho người cao tuổi. Chương trình được triển khai từ năm 2020 để hỗ trợ những người trên 60 tuổi có thể học các kỹ năng số cơ bản: Thực hiện giao dịch trực tuyến; Truy cập các dịch vụ của Chính phủ; Giao tiếp trực tuyến; Bảo vệ khỏi lừa đảo trên môi trường mạng. Từ Chương trình này, các Trung tâm Cộng đồng số Singapore ra đời, có các nhân viên xã hội hướng dẫn trực tiếp đối với từng người cao tuổi.