Kể từ khi Liên Hợp quốc khảo sát, đánh giá và xếp hạng về chỉ số phát triển bền vững của các quốc gia, các nền kinh tế, năm 2016, Việt Nam đứng thứ 88. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 68. Năm 2018 là đứng thứ 57. Năm 2019 đứng thứ 54. Và với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc đến năm 2020, Việt Nam đã đứng thứ 49 về phát triển bền vững trên thế giới trong khi thu nhập bình quân đầu người đang đứng thứ ngoài 100.
Đây là thành quả nỗ lực phấn đấu liên tục hàng chục năm của Việt Nam. Càng ngày thế giới càng thấy rõ định hướng phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là rất đúng. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực; luôn được đặt ở trung tâm của mọi chủ trương, chính sách.
Ngay như năm 2020, cả thế giới chao đảo vì Covid-19, Việt Nam với phương châm hành động “Không ai bị bỏ lại phía sau” đã đạt được những thành công thế giới ghi nhận. Trước hoàn cảnh cấp bách do Covid-19 gây ra, Việt Nam đã tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và đón người hết hạn về nước; góp phần giữ ổn định ở mức tương đối hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Nhà nước cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Theo đó, gói hỗ trợ trị giá khoảng 62 nghìn tỷ đồng được hướng tới 20 triệu người thuộc bảy nhóm đối tượng, trong đó sáu nhóm đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách, một nhóm đối tượng doanh nghiệp được vay lãi suất ưu đãi 0% để hỗ trợ. Trong chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” do Mặt trận Tổ quốc phát động trong năm 2020, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không phải là lời hô hào suông”.
Công tác giảm nghèo bền vững ở Việt Nam đã đạt được những kết quả rất ấn tượng, góp phần giữ ổn định xã hội và tăng thêm lòng tin của người dân vào các chính sách nói riêng, vào Đảng, Nhà nước, vào chế độ. Bên cạnh các nguồn lực, chương trình mục tiêu, chính sách, chế độ thường xuyên hàng năm, gói hỗ trợ đột xuất của Nhà nước, còn có sự đóng góp không thể thiếu của các tổ chức xã hội, những người có tấm lòng thiện nguyện.
Đất nước muốn phát triển tốt phải có hệ thống an sinh xã hội tốt. Phát triển và bảo đảm an sinh xã hội có mối quan hệ biện chứng. Tất cả nhằm khơi dậy khát vọng, sự đồng lòng chung sức toàn dân tộc góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tới đây là thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.