Lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 1/2023
Tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023” do Học viện Tài chính (Viện Kinh tế - Tài chính) tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, hồi năm 2023 các chuyên gia của Viện đã đưa ra dự báo lạm phát so với cùng kỳ sẽ đạt đỉnh vào tháng 1/2023, sau đó giảm dần về mức 3% vào cuối năm, còn lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ xoay quanh mức 3,5%. “Sau 6 tháng đầu năm, có thể thấy rằng lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 1/2023, nhưng đồng thời cũng giảm mạnh hơn dự báo…” - chuyên gia cho hay.
Số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 6/2023 đã giảm về mức chỉ còn 2%. Sự suy giảm mạnh của lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023 xuất phát từ 3 nguyên nhân chủ yếu.
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm (đầu tư, tiêu dùng) hoặc sụt giảm (xuất khẩu).
Thứ hai, tăng trưởng cung tiền cũng thấp. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6/2023 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ xảy ra dịch bệnh COVID-19. “Nguyên nhân chính khiến cung tiền tăng chậm, một mặt, là do tổng cầu yếu khiến nhu cầu tín dụng thấp, mặt khác, do các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay khi lo ngại nợ xấu gia tăng. Những nguyên nhân này khiến số nhân tiền tệ hay tốc độ quay vòng tiền tệ bị suy giảm mạnh…” - chuyên gia này phân tích.
Nguyên nhân thứ ba khiến lạm phát giảm mạnh là do lãi suất thực ở mức quá cao. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6/2023 là 8,9%. Với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, mức lãi suất cho vay thực là 6,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013 - 2021 là 5,9% và 4,6%. “Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, đồng thời làm tăng nợ xấu…” - TS Độ nhận định.
Xu hướng tiếp tục giảm
Theo nhận định của các chuyên gia, các yếu tố về cung tiền, lãi suất và tổng cầu không chỉ khiến lạm phát giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023, mà còn tiếp tục có tác động kiềm chế tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các nguy cơ xảy ra các cú sốc về cung như giá dầu, tỷ giá giống năm 2022 cũng không cao, thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát.
Về giá dầu, nhiều dự báo cho thấy, với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng (có thể xảy ra vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024), giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm như đã diễn ra trong vòng 1 năm qua, hoặc ít nhất sẽ không tăng mạnh.
Còn tỷ giá USD/VND trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng khá ổn định nhờ Việt Nam xuất siêu 12,25 tỷ USD. Với việc đồng USD cũng đang trong xu hướng giảm giá, khả năng tỷ giá USD/VND sẽ được NHNN giữ ổn định trong biên độ +/- 1 - 2%.
“Trong vòng 1 năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%…” - TS Nguyễn Đức Độ nhận định. Theo chuyên gia này, với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay không mấy khả quan, cùng với sự thận trọng của NHNN trong việc hoạch định chính sách tiền tệ thời gian qua, lạm phát trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay chắc chắn sẽ được hoàn thành.
Đưa ra dữ liệu, trong 6 tháng cuối năm 2023 nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính dự báo, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,3 - 7,0% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3 - 3,5%.
Cùng chung nhận định, 6 tháng cuối năm 2023 lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt định vào tháng 1/2023, PGS.TS Nguyễn Bá Minh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính lý giải, lạm phát tiếp tục giảm nhờ sự nỗ lực “hạ nhiệt” mặt bằng lãi suất của NHNN, cũng như lạm phát toàn cầu có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
“Áp lực lạm phát trong năm 2023 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình. Mặc dù vậy, nếu điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn, mức kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% là hoàn toàn khả thi” - PGS.TS Nguyễn Bá Minh nói.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu