Cơ hội từ các hiệp định thương mại
Năm 2019, ngành Thủy sản đặt mục tiêu: Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản tăng 4,69% so với năm 2018. Tổng sản lượng thủy sản đạt 8.081 ngàn tấn, tăng 4,2% so với ước thực hiện năm 2018. Kim ngạch XK thủy sản phấn đấu đạt 10,5 tỷ USD.
Đánh giá về những lợi thế mà ngành Thủy sản có được, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc cắt giảm thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do - FTA đang và sắp có hiệu lực như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cùng với những diễn biến thuận lợi của yếu tố cung - cầu được đánh giá là những động lực quan trọng để XK thủy sản của Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh năm 2019 cũng như thời gian tới.
Theo đó, với CPTPP (có hiệu lực từ tháng 1/2019), gần như toàn bộ hàng hóa XK của Việt Nam, trong đó có thủy sản, vào các nước thành viên CPTPP sẽ được xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu (NK) ngay lập tức hoặc theo lộ trình.
Năm 2019 cũng đánh dấu hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế trong Hiệp định VJEPA. Đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh XK vào Nhật Bản khi thuế NK tất cả các mặt hàng thủy sản từ Việt Nam vào Nhật Bản đã được đưa về 0%. Ngoài ra, Hiệp định EVFTA cũng đang được các thành viên tích cực hoàn tất thủ tục để sớm đi vào thực thi.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, EVFTA đi vào thực thi sẽ là lực đẩy rất lớn cho XK thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU, bởi có tới 90% số dòng thuế được cam kết cắt giảm về 0% trong khoảng thời gian ngắn.
Theo tìm hiểu, mức thuế NK thủy sản vào EU hiện nay trung bình là 14%, trong đó, nhiều mặt hàng chịu thuế cao tới 26%. Tuy nhiên, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở, chiếm khoảng 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản sẽ giảm về 0%, số còn lại có lộ trình cắt giảm từ 3 -7 năm.
Đừng quên tấm “thẻ vàng”!
Trong năm 2018, ngành Thủy sản không phải không gặp những khó khăn. Đó là thời điểm cuối tháng 5/2018, khi giá tôm nguyên liệu giảm mạnh. Lúc bấy giờ, Bộ NN&PTNT đã tổ chức đánh giá thị trường, khuyến cáo người dân liên kết theo chuỗi gắn với thị trường. Ngay sau đó, hội nghị "Các giải pháp trọng tâm phát triển tôm bền vững", với các DN lớn như Minh Phú, Nam Miền Trung, Việt Úc... có mặt, nên từ cuối quý II/2018 giá tôm nguyên liệu đã tăng lên, người nuôi tiếp tục thả giống nuôi, góp phần đưa sản lượng tôm các loại đạt khoảng 800 ngàn tấn, tăng 10,5% so với năm 2017.
Bên cạnh con tôm, cá tra tuy là mặt hàng chủ lực nhưng cũng gặp khó khăn không ít. Đặc biệt khi giá lên đến đỉnh điểm đã khiến người dân nuôi thả ồ ạt. Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNN tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ.
Đoàn thanh tra Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng sang Việt Nam đánh giá về vùng nuôi và nhà máy chế biến cá tra rất tích cực. Điều này tạo điều kiện XK sản phẩm cá và cá Siluriform vào thị trường nước này. Kết quả nói trên đã góp phần tăng trưởng giá trị xuất khẩu cá tra năm 2018 vượt trên 2 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu về kim ngạch XK, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, muốn gia tăng kim ngạch XK phải thường xuyên quan tâm đến vấn đề chất lượng gắn liền với xây dựng thương hiệu. Những năm qua, mặt hàng thủy sản chủ lực như: Tôm, cá ngừ và gần đây là cá tra đã và đang từng bước được các DN tăng cường đầu tư chế biến sâu, chế biến các sản phẩm phụ nhằm gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế của sản phẩm thủy sản (dầu ăn chế biến từ mỡ cá tra, da cá tra sản xuất collagen, đầu cá, xương cá làm thức ăn chăn nuôi...).
Nói về những thách thức trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, các chương trình mà các nước lớn ở khu vực Âu, Mỹ đang áp dụng với chương trình kiểm soát NK tiếp tục là những điểm đáng lưu ý. Để giải quyết những thách thức này đòi hỏi các DN cùng với các cơ quan Nhà nước sẽ phải chung tay nhiều hơn để vượt qua:
"Khi vượt được các thách thức này, thì đồng nghĩa với việc năng lực cạnh tranh của chúng ta sẽ được cải thiện. Bên cạnh đó, ngành Thủy sản cần tiếp tục tập trung tháo gỡ "thẻ vàng" của EC đối với thủy sản Việt Nam. Cần chú trọng phát triển bền vững các đối tượng nuôi chủ lực là cá da trơn, tôm nước lợ theo hướng nuôi trồng và chế biến các sản phẩm áp dụng công nghệ cao", ông Nam nói.