4 nguyên nhân khiến doanh nghiệp giải thể tăng cao
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc phát triển doanh nghiệp được nhiều đại biểu, quan tâm, nêu nhiều ý kiến. Các ĐB cho rằng, gần đây doanh nghiệp tăng trưởng rất nhanh, năm nay chúng ta đang dự kiến là khoảng 130 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,5%. Tuy nhiên con số 9 tháng đầu năm vừa qua các doanh nghiệp chờ giải thể cũng tăng cao. Lý giải vấn đề, ông Dũng cho biết, có 4 nguyên nhân dấn đến tính trạng trên.
Thứ nhất, theo quy luật cạnh tranh, quy luật đào thải của những doanh nghiệp yếu, không còn khả năng tồn tại thì sẽ bị loại khỏi để thay vào những doanh nghiệp tốt và doanh nghiệp mới có điều kiện phát triển.
Thứ hai, thực chất chúng ta cũng thấy việc tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất đang rất khó khăn đối với các doanh nghiệp, như tiếp cận về vốn, công nghệ, đất đai, lao động, đầu vào chi phí logistic của chúng ta đang còn rất khó. Việc các doanh nghiệp hoạt động sau một thời gian thành lập không hoạt động hiệu quả và tự rút lui khỏi thị trường cũng có vấn đề.
Thứ ba, từ tháng 4 vừa qua các địa phương tập trung vào công tác rà soát số liệu của doanh nghiệp này, từ trước đến nay đã có tổng hợp nhưng không đầy đủ, lần này là lần làm quyết liệt hơn thì số đã giải thể từ mội vài năm trước chưa được tổng hợp, lần này đã được tổng hợp tương đối đầy đủ nên trong 9 tháng này nó đã tăng cao so với con số của các năm trước.
Thứ tư, một số doanh nghiệp đúng là có hiện tượng trục lợi chính sách, lập lên nhưng không hoạt động gì, buôn bán hóa đơn.
4 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đứng vững
Cũng theo ông Dũng, gần đây doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, năm nay dự kiến 130 nghìn doanh nghiệp. “Đến thời điểm hôm nay có 702 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, như vậy còn phải thêm 300 nghìn doanh nghiệp nữa thì phải áp dụng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng đưa ra 4 giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp đang được Chính phủ áp dụng. “Thứ nhất, chúng tôi cho rằng phải triển khai hỗ trợ đầy đủ các chính sách, các chương trình của doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Dũng nói.
Thứ hai, phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa và dễ dàng tiếp cận với các thị trường yếu tố đầu vào như tôi đã báo cáo. Đó là vốn, đất đai, công nghệ, lao động.
Thứ ba, đặc biệt phải tháo gỡ được các khó khăn và giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp. Vừa rồi có rất nhiều đại biểu đã nêu, chúng ta đang còn rườm rà, đang vô cảm và đang làm mất rất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nên rất khó có thể phát triển được.
Thứ tư, khuyến khích phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích phát triển một số doanh nghiệp lớn trong nước làm đầu tàu lôi kéo, tạo sức lan tỏa.
Về hộ kinh doanh, ông Dũng thông tin, hiện nay chúng ta đang có 5,2 triệu hộ kinh doanh. Nhưng việc chuyển sang doanh nghiệp cũng rất khó khăn.
Vừa qua Chính phủ đã có một số giải pháp và sắp tới Chính phủ cũng đã và đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng chế độ kế toán riêng cho các hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp. Xây dựng một cơ sở đại lý thuế để tư vấn và cung cấp các dịch vụ kế toán cho các hộ kinh doanh này, hóa đơn điện tử. Tất cả những điều này chắc chắn đều hỗ trợ cho các hộ kinh doanh chuyển đổi một cách dễ dàng hơn sang doanh nghiệp.
“Với tất cả những chính sách hỗ trợ chuyển hộ kinh doanh sang doanh nghiệp cũng như hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chúng tôi tin rằng tình hình của doanh nghiệp có lẽ phấn đấu cũng sẽ đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020”, ông Dũng khẳng định.