Mùa xuân no đủ, tươi đẹp ở cao nguyên Mộc Châu

Mùa xuân no đủ, tươi đẹp ở cao nguyên Mộc Châu
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dòng vốn ưu đãi của NHCSXH đã chảy đều, thấm sâu trong từng thôn bản khó khăn, đem đến cho người dân cao nguyên Mộc Châu có cuộc sống no đủ, bình yên.

Mộc Châu từ lâu được biết đến với khung cảnh độc đáo vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, đó là những đồi chè, đồng cỏ xanh ngút ngát cùng sự đa dạng về văn hóa dân gian ở tỉnh Sơn La. Song chính cái địa hình bức tranh đẹp đến không tưởng ấy với 88% là núi cao, rừng sâu và hầu hết các bản làng đều nằm trong vùng sâu, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số lại trở thành thách thức đối với công cuộc giảm nghèo của huyện Mộc Châu.

Nhưng cũng chính từ những thách thức đó lại chứng minh rõ hơn sự nỗ lực bền bỉ vượt khó của những người làm tín dụng chính sách suốt 21 mùa xuân qua ở Mộc Châu đã góp phần thiết thực thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, để rồi no ấm lan rộng khắp cao nguyên.

Những ngày cận kề Tết này về xã Tân Lập, huyện Mộc Châu khi nắng xuân bừng sáng mà cảm xúc bao trùm chúng tôi khi tai nghe mắt thấy đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã biết sử dụng đồng vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) để khai thác lợi thế về điều kiện thiên nhiên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành vùng chuyên canh nông sản hàng hóa như chè, hoa, quả, rau, đến nay đã tròn chục mùa bội thu.

Hình ảnh những năm trước người Mông, người Dao chỉ biết nhờ vào rừng già, sống bằng cách săn bắt, đốt nương làm rẫy giờ đã đi vào dĩ vãng. Cảnh thiếu ăn, thiếu tiền vốn giờ cũng không còn. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, làm giàu từ dòng vốn tín dụng chính sách.

Như gia đình ông Vàng A Thào trước đây cuộc sống rất khó khăn, thế rồi được sự động viên của cán bộ bản Hoa 1, xã Tân Lập cùng hướng dẫn tận tình của cán bộ NHCSXH huyện Mộc Châu, ông đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi cải tạo đất đồi trồng chè sạch Ô Long Mộc Sương và chăn nuôi cặp bò sữa để đến Tết Giáp Thìn này có được cuộc sống đủ đầy, thu nhập mỗi năm tới 100 triệu đồng.

Cũng như ông, ngoài trồng chè, chăn nuôi bò sữa, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã giúp bà con trồng thêm mận hậu, chanh leo và thêm cả đàn lợn béo để bán, thu nhập của người dân mỗi năm nhiều thêm cùng độ rộng của vườn rừng, vườn tược, ruộng nương ngập tràn màu xanh của những cây rừng, cây nguyên liệu công nghiệp, cây ăn quả có múi.

Còn ở bản Phách, xã Chiềng Khừa mọi người nhắc đến chị Hoàng Thị Lá như một hình mẫu giảm nghèo bền vững. Vốn là một cán bộ chi hội phụ nữ ở trong vùng sâu, nhưng có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm với những trăn trở quyết tâm vượt lên nghèo khó, chị quyết tâm sử dụng hàng trăm triệu đồng vốn vay của NHCSXH đầu tư trồng chanh leo, mận hậu trên 5000m2 đồi dốc.

Đất đã chẳng phụ công người chăm sóc liền mấy mùa xuân qua, chanh leo, mận hậu được mùa quả sai trĩu cành, lại bán được giá giúp gia đình chị thu hoạch cao gấp 5,7 lần so với trồng lúa nương, sắn khoai. “Nhờ chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước gia đình tôi đã có của ăn của để. “Cứ đà này đến Tết năm nay nhà tôi trả xong nợ vay ngân hàng và thoát hẳn nghèo đúng với bản đăng ký”, chị Lá chia sẻ.

Những dòng vốn ưu đãi của NHCSXH đã chảy đều, thấm sâu trong từng thôn bản khó khăn, đem đến cho người dân cao nguyên Mộc Châu có cuộc sống no đủ, bình yên.

Giám đốc NHCSXH huyện Mộc Châu, ông Nguyễn Thế Cần cho biết: “Với định hướng hoạt động từ ngày đầu thành lập là tập trung huy động nguồn lực tài chính, tổ chức chuyển tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn đến đúng các đối tượng thụ hưởng, đơn vị đã bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, triển khai nhiều giải pháp phù hợp huy động được nguồn vốn lớn từ nhiều kênh với nhiều hình thức. Tính đến mùa xuân năm 2024 tổng nguồn vốn đạt xấp xỉ 430 tỷ đồng tăng 37,5 tỷ đồng so với cuối năm 2022.".

Kết quả đó khẳng định sự nỗ lực của NHCSXH trong việc tìm kiếm, huy động đủ nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để phát triển sản xuất kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Kết quả đó cũng khẳng định cấp ủy Đảng, chính quyền ở Mộc Châu đã quán triệt sâu sắc chỉ thị 40 và kết luận 06 của Ban Bí thư trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Chỉ đạo sâu sát việc giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước về một đầu mối quản lý thống nhất, bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH hơn 21 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh là 11,9 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huyện gần 10 tỷ đồng), chiếm 2,79% tổng nguồn vốn, để bổ sung nguồn vốn ưu đãi kịp thời cho vay trực tiếp tới 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Riêng năm 2023 doanh số cho vay của NHCSXH Mộc Châu đạt 94.460 triệu đồng với 1.913 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ, thu lãi đạt 100%. Tổng dư nợ đến mùa xuân này đạt 429 tỷ đồng với 8.209 hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ hơn 52 triệu đồng/hộ.

Cùng với việc mở rộng tín dụng, việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng được NHCSXH huyện và các tổ chức hội, đoàn thể đặc biệt chú trọng quan tâm thực hiện quyết liệt trong thời gian qua. Nhờ đó, chất lượng tín dụng chính sách được duy trì ổn định, ngày càng nâng cao, để rồi đến nay, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,20% tổng dư nợ, nợ quá hạn bằng 0 và số xã không có nợ quá hạn là 11 trong tổng số 15 xã, thị trấn của huyện.

Những nỗ lực của NHCSXH Mộc Châu đã góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới đảm bảo an ninh trật tự xã hội, bảo vệ biên giới vùng cao nguyên trong nhiều năm liên tục.

Theo thống kê, vốn tín dụng ưu đãi được NHCSXH Mộc Châu thực hiện năm qua đã giúp cho 677 hộ thoát ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho 469 lao động, tạo điều kiện xây dựng, sửa chữa 1.454 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và 12 người chấp hành xong án phạt tù vay được vốn thuận lợi để tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống.

Chặng đường 21 năm đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của NHCSXH Mộc Châu đã đạt những kết quả thiết thực, xứng đáng được sự ủng hộ, tin yêu của lãnh đạo và nhân dân địa phương.

Thời gian tới, những người làm tín dụng chính sách trên cao nguyên tiếp tục bám sát các chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, của hệ thống và địa phương, tập trung huy động nguồn lực tài chính, tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, góp phần nhiều hơn vào mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của cao nguyên để mỗi dịp xuân về tết đến nhìn lại tỷ lệ hộ nghèo có thể tự hào đã giảm bền vững, cuộc sống no đủ, tươi đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.