“Mùa vàng” SEA Games của chị em cô gái Huế

Hai "cô gái vàng" cùng với ba mẹ được ông Nguyễn Văn Phương (Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) biểu dương sau thành tích xuất sắc tại SEA Games 32.
Hai "cô gái vàng" cùng với ba mẹ được ông Nguyễn Văn Phương (Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) biểu dương sau thành tích xuất sắc tại SEA Games 32.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hai chị em ruột quê huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (26 tuổi) và Nguyễn Thị Mỹ Trang (22 tuổi) liên tiếp giành HCV môn vật tại 2 kỳ SEA Games gần đây. Họ đến với vật và đã có quả ngọt, thay đổi thuở cơ hàn.

“Rủ nhau” vô địch

Sea Games 32 được tổ chức tại Campuchia vừa khép lại với ngôi nhất toàn đoàn thuộc về đoàn thể thao Việt Nam khi giành tổng cộng 136 HCV, 105 HCB và 118 HCĐ. Đây được xem là kỳ SEA Games thành công nhất của Việt Nam khi không phải là chủ nhà. Đằng sau những tấm HCV, có những chuyện hiếm, cảm động; trong đó có việc 2 chị em ruột đều giành vàng ở cùng một môn thể thao.

Ở Sea Games 31 được tổ chức tại Việt Nam, Mỹ Hạnh và Mỹ Trang đều giành vàng. Đến chiều ngày 15/5/2023, hai chị em này đều cùng nhau tranh tài cho đội tuyển vật Việt Nam tại SEA Games 32. Người chị thi đấu ở hạng cân 62kg, còn cô em Mỹ Trang tranh tài ở hạng cân 57kg.

Chiều hôm đó, Trang thi đấu trước và không ngoài dự đoán cô đã giành vàng. Ngay lập tức, nữ đô vật này chạy những bước thật nhanh quay lại sàn đấu, để theo dõi và cổ vũ cho chị gái Nguyễn Thị Mỹ Hạnh bước vào trận “chung kết” hạng cân 62kg.

Tiếng hét thật to “chị ơi cố lên” từ Mỹ Trang vang vọng khắp nhà thi đấu, tiếp thêm tinh thần cho Mỹ Hạnh tung ra những đòn khóa đối thủ đầy mạnh mẽ.

Chị em đô vật Mỹ Hạnh (phải), Mỹ Trang (trái) vui mừng khi bảo vệ thành công HCV tại SEA Games 32

Chị em đô vật Mỹ Hạnh (phải), Mỹ Trang (trái) vui mừng khi bảo vệ thành công HCV tại SEA Games 32

Sau gần một tháng giành vàng, Mỹ Hạnh vẫn còn nguyên cảm xúc khi chia sẻ với PLVN: “Thật tuyệt vời và hạnh phúc khi 2 chị em lại có thêm một kỳ SEA Games cùng nhau giành huy chương vàng. Đây là quả ngọt rất lớn và chị em chúng em vẫn sẽ tiếp tục cống hiến cho thể thao nước nhà”.

Hiện tại, hai chị em vẫn đang lao vào luyện tập và ở cùng một phòng tại TT huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Tới đây, cô em sẽ tranh tài tại giải vật U23 châu Á được tổ chức tại Kyrgyzstan. Xa hơn, hai chị em sẽ hướng tới Asiad và giành quyền tham gia Olympic tại Pháp năm 2024.

Quả ngọt sau những ngày cơ cực

Sau thành công ở Campuchia, Mỹ Hạnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng 3 vì thành tích giành huy chương vàng tại 3 kỳ Sea games. Còn cô em Mỹ Trang cũng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế hứa đặc cách cho vào biên chế thuộc Sở Văn hoá – Thể thao trong thời gian gần đây.

Mỹ Trang vui vẻ chia sẻ: “Chị gái vào biên chế từ năm 2020; đến nay tôi có cơ hội và cảm thấy vui mừng, may mắn. Điều này, giúp tôi yên tâm và không lo lắng sau khi giải nghệ. Đó cũng là nguồn động lực để các thế hệ trẻ của tỉnh nhà cố gắng, phấn đấu để được như tôi và hơn tôi nữa”

Tìm về xóm Khe, thôn Thạch Bình, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền; cả xóm này ai nấy đều tự hào vì quê mình có 2 chị em là “vua vật” ở Đông Nam Á. Được biết, ba mẹ của 2 cô gái vàng này sinh tới 7 người con, Mỹ Hạnh thứ 2, còn Mỹ Trang thứ 3. Hiện gia đình còn 2 cô em cũng đang theo nghiệp đô vật; trong đó Mỹ Linh (20 tuổi) đang tập luyện ở đội tuyển trẻ Việt Nam hạng cân 55kg và Mỹ Tiên (18 tuổi) đang tập ở đội vật tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phong cách đời thường, trẻ trung của hai đô vậtPhong cách đời thường, trẻ trung của hai đô vật

Dù có những người con tài năng nhưng ba của Hạnh, Trang vẫn ngày đêm làm công nhân cơ khí từ sớm đến tối mịt mới về còn mẹ hàng ngày phải dậy từ 3 giờ sáng để đi bán cá.

Nói về cơ duyên đi theo môn vật, Mỹ Hạnh cho biết, năm 13 tuổi, người anh họ của cô vốn là tuyển thủ môn vật của tỉnh Thừa Thiên Huế, khi tới nhà chơi thấy Hạnh sở hữu những khả năng phù hợp với vật nên đã thuyết phục để em đi tập.

“Lúc đó, nhà quá nghèo nên nghĩ rằng mình đi tập sẽ được nuôi ăn học, bớt phần gánh nặng cho ba mẹ. Thế là, em đã quyết định đến với môn vật. Ba của em chỉ nói duy nhất một câu rằng con cứ đi, khổ quá hoặc buồn quá thì về với gia đình. Vậy là vật bước vào đời tôi như thế”- Mỹ Hạnh chia sẻ.

Những ngày đầu tập luyện, tất cả xương khớp đều muốn rụng rời do va chạm liên tục cả ngày, nhiều lúc mệt đến phát khóc. Nhưng rồi nghĩ về gia đình, về việc sẽ có chút ít tiền giúp đỡ bố mẹ và được các thầy động viên nên cô nén đau, gạt sang một bên nỗi nhớ nhà để lăn lộn trên sới vật.

Theo vật hơn một năm, Mỹ Hạnh có tiền, có nghề, được ăn uống đầy đủ nên “rủ” em gái Mỹ Trang đi tập cùng. Tiếp theo, các thầy về nhà Mỹ Hạnh, Mỹ Trang thăm chơi rồi “kéo” tiếp hai người em gái đi theo con đường là vận động viên vật... Thế là, Mỹ Linh rồi Mỹ Tiên tiếp bước các chị.

Giờ đây, cuộc sống của gia đình bốn đô vật này đã khấm khá hơn. Nhưng các em vẫn nhớ về những tháng ngày cơ cực và vẹn nguyên quyết tâm thi đấu hết mình để tiếp tục mang vinh quang về cho nước nhà.

Đọc thêm

Không gọi “công thần”, ông Kim Sang Sik đã đúng?

HLV Kim Sang Sik
(PLVN) - HLV Kim Sang Sik đã công bố 30 nhân sự dự AFF Cup 2024. Bản danh sách này đang dấy lên những tranh luận, hoài nghi khi ông mạnh mẽ loại bỏ Hùng Dũng, Quế Ngọc Hải và đặc biệt cầu thủ đang có phong độ cao Công Phượng.