Việc phát hiện ra một hố thiên thạch có niên đại sớm hơn hàng ngàn năm so với hố Chicxulub, Mexico, nơi được cho là dấu tích của cuộc va chạm đã tiêu diệt loài khủng long khổng lồ vào 65 triệu năm trước buộc các nhà khoa học phải xem xét lại kết luận về nguyên nhân tuyệt chủng của loài động vật này.
Dựa trên các phát hiện khảo cổ, con người biết rằng, khủng long từng là loài thống trị trên Trái đất. Tuy nhiên, loài động vật này đã bị tiêu diệt một cách bí ẩn cách ngày nay hàng triệu năm.
Nhiều giả thuyết đã được đưa ra về nguyên nhân khiến loài khủng long tuyệt chủng. Tuy nhiên, cho đến mãi tháng 3 vừa qua, một ủy ban quốc tế mới công bố kết quả nghiên cứu cuối cùng về nguyên nhân chính khiến loài khủng long bị tiêu diệt.
Theo kết luận này thì vào thời điểm cách ngày nay 65 triệu năm, một thiên thạch khổng lồ có đường kính 15 km đã đâm xuống Trái đất ở bán đảo Yucatan, Mexico và tạo nên hố thiên thạch Chicxulub như chúng ta thấy ngày nay. Và chính vụ va chạm này là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt diệt của loài khủng long.
Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hố thiên thạch khác ở Ukraine với niên đại sớm hơn hố Chicxulub hàng ngàn năm. Phát hiện này buộc các nhà khoa học đặt ra một giả thiết mới về sự tuyệt chủng của loài khủng long: Chúng có thể không phải bị tiêu diệt bởi một lần va chạm mà là bởi một loạt các vụ va chạm giữa các thiên thạch và Trái đất.
Hố Boltysh ở Ukraine vốn đã được phát hiện vào năm 2002. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện trong phạm vi hố này những dấu vết của một vụ va chạm khác. Và vụ va chạm này xảy ra ngay sau vụ va chạm hình thành nên hố Chicxulub. Điều này cho thấy, hai vụ va chạm này rất có thể là một bộ phận của một trận “mưa thiên thạch” với phạm vi lớn hơn rất nhiều.
Thông thường, sau một vụ va chạm, dương xỉ là loài đầu tiên chiếm lĩnh những khu vực này đồng thời lưu lại một số lượng lớn bào tử. Đây chính là những căn cứu giúp các nhà xác sự tồn tại cũng như niên đại của các vụ va chạm.
Trong quá trình khảo sát hố Boltysh, các nhà khoa học đã phát hiện ra một tầng hóa thạch bào tử dương xỉ khác ở phía trên tầng dương xỉ phát hiện ban đầu. Điều này cũng có nghĩa là, hàng ngàn năm sau vụ va chạm thứ nhất đã xảy ra một vụ va chạm khác.
Simon Kelley, Giáo sư Đại học Mở, Anh, đồng tác giả của công trình nghiên cứu này nói: “Trong tương lai, rất có thể chúng ta sẽ còn phát hiện nhiều hơn nữa các vụ va chạm khác tạo nên trận mưa thiên thạch này”.
Monica Grady, chuyên gia về thiên thạch cùng thuộc Đại học Mở nói, những trận "mưa thiên thạch" như thế này có thể được tạo thành từ những vụ va chạm giữa các thiên thể khi chúng tiến gần đến Trái đất.
Gần đây, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đã khởi động một kế hoạch có tên “Vệ sỹ vũ trụ” với nhiệm vụ giám sát chặt chẽ những thiên thể tiến gần đến quỹ đạo Trái đất và đưa ra những cảnh báo sớm trong trường hợp chúng va chạm vào nhau.
Nguồn: VietNamNet