Quê tôi là vùng ngoại thành nên diện tích hồ ao vẫn còn kha khá. Do vậy “tập tục” tát ao vẫn được duy trì, khi gió mùa Đông Bắc kéo về, có hôm nhiệt độ xuống thấp, rét căm căm vẫn thấy bà con xã viên tát ao. “Công nghệ” tát ao tức là rút cạn nước đi để bắt cá, xưa phải làm thủ công bằng những chiếc gầu sòng, nay đã có máy bơm chạy điện, ao nào rộng cũng chỉ chạy máy ba ngày, ba đêm là cạn tới đáy, thôi thì cá to cho đến cá nhỏ, bé nhất là loài tôm cũng bị “bắt làm tù binh”!. Vui hơn là lúc ao sắp cạn, các bác thợ quây lưới kéo lên những mẻ cá nặng trĩu. Con cá nào thoát được thì đợt tát vét cuối cùng cũng bị giải quyết nốt. Những con cá khi lên bờ thấy lạ chúng chỉ biết quẫy mình vật vã như một sự vô vọng.
Ao làng. (Nguồn: Internet) |
Tát ao là cách làm vệ sinh, đắp lại bờ... để thả cá giống gối cho vụ sau, khi chờ cá giống, người ta có thể cấy rau cần thế vào, bán lúc dịp Tết phục vụ cho món lẩu thì còn gì bằng. Thu hoạch hết rau, chu trình lại quay về nuôi cá, người xưa bảo “nuôi cá gá bạc” là thế. Thời nay, để mua được một con cá nuôi tự nhiên trong ao thật hiếm, mà chủ yếu là cá nuôi cám công nghiệp, không đạt chất lượng dinh dưỡng, cá thiếu vị ngọt, chắc và thơm. Có lẽ vì vậy mà cánh buôn cá ở chợ Mơ sang, từ Giáp Bát tới... chỉ cần chuẩn bị khâu tát ao đã săn lùng vào các ao từ rất sớm. Vâng, đúng vậy, nhiều hộ thoát nghèo nhờ nuôi cá, tất nhiên nuôi một lứa cá cũng không hề giản đơn, người ta vẫn ăn ngủ cùng cá đề phòng những tay “cá tặc” thường hay đánh lưới trộm, dùng điện, lưỡi câu chùm bắt cá, rồi những lần “cá ốm” bơi lờ đờ trên mặt nước hay bị “đột tử” nổi trắng trên mặt ao, lòng người như lửa đốt. Rõ rồi “vẩy cá hơn lá rau” đã khẳng định sự “cao đạm” từ món cá. Xưa có cá tiến vua, rồi cá để làm phương tiện cho Táo quân lên trời vào dịp cuối năm, ai mấy đã quên, nuôi cá là một ngành “công nghiệp” rất hấp dẫn với các bà con ngoại thành không chỉ ở Hà Nội. Rất mong các cơ quan chức năng chú tâm phát triển ngành này ngay tại các địa phương./.