Hướng tới mục tiêu trong lành hóa lễ hội
Mùa lễ hội Xuân Canh Tý đang đến gần. Để thu hút khách thập phương và rút kinh nghiệm từ những năm trước các địa phương đã đưa ra “kế sách” nhằm “trong lành” hóa lễ hội.
Năm nay, thời điểm diễn ra Lễ khai ấn Đền Trần vào đêm cuối tuần nên lượng khách về dự lễ dự báo sẽ tăng đột biến so năm 2019, khiến công tác chuẩn bị cho sự kiện này cần chu đáo hơn. Năm nay, Ban tổ chức Lễ hội khai ấn Đền Trần tiếp tục duy trì gần 20 camera an ninh nhằm giám sát, xử lý các hành vi vi phạm.
Dâng sao giải hạn tràn đường phố. |
Ngày xuân, một số nơi tổ chức lễ hội phồn thực, thờ sinh thực khí trong tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ đặc sắc. Lễ hội thiêng này là nơi gửi gắm ước vọng của những người dân làng về sự sản sinh, sinh sôi, dồi dào.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, lễ hội phồn thực thiêng liêng đã bị một số người làm hoen ố, dung tục hóa. Đáng buồn thay, trong số đó lại là những người trong lĩnh vực văn hóa.
Năm 2018, tại lễ hội Ná Nhèm, khi tàng thinh - tượng trưng cho linh vật của người đàn ông được khênh ra làm lễ, một người phụ nữ đeo mác “đại biểu” đã “cao hứng” chạy vội tới sờ nắn tàng thinh. Dường như chưa đã, người này còn thè lưỡi liếm tàng thing trước sự sửng sốt, bất bình của những người tham gia lễ hội.
Chưa hết cũng tại lễ hội này, nếu trước đây, tàng thinh chỉ là một khúc gỗ cách điệu đơn giản thì ngày nay, du khách bất bình khi qua mỗi lễ hội, mô hình tàng thinh ngày càng bị làm thô tục hóa, câu khách, gây phản cảm người xem nhất là du khách là những người già và trẻ nhỏ.
Ban tổ chức đã thực hiện tuyên truyền cho tất cả đại biểu và nhân dân Nam Định về thực hiện nếp sống văn minh tại lễ hội; thành lập nhiều đoàn liên ngành kiểm tra các lĩnh vực dịch vụ, vệ sinh thực phẩm; tăng cường lực lượng an ninh mặc thường phục để xử lý nạn trộm cắp, giả danh nhà sư, xe ôm, ăn xin “đeo bám” du khách, thu vé trông xe trái quy định...
Các thiết bị flycam tại khu vực Đền Trần sẽ bị lực lượng an ninh “bắn hạ” nếu không đăng ký với Ban tổ chức lễ hội và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định. Năm 2019, du khách dự Lễ khai ấn ước tính khoảng 200 nghìn lượt người, lượng ấn phát ra khoảng 300 nghìn cái.
Dự báo năm nay lượng khách tăng mạnh, Ban tổ chức cho hay sẽ chuẩn bị đủ số ấn cho mọi người dự hội. Ấn sẽ được phát từ rạng sáng ngày 15 tháng Giêng Âm lịch cho đến sau lễ hội, tùy vào nhu cầu của du khách.
Với chủ đề “Lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch”, năm nay, Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương đã bố trí 4.000 đò để phục vụ khách tham quan, du lịch và chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… Ban tổ chức lễ hội sẽ bố trí lực lượng thường trực lễ hội 24/24h.
Lễ hội sẽ tuyệt đối không bố trí các điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, sân cổng Nam Thiên Môn, sân Thiên Trù, sân cổ động Hương Tích; cấm quảng cáo và tổ chức dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã; thực hiện nghiêm quy định về phương tiện cứu hộ trên xuồng, đò chuyên chở hành khách…
Bên cạnh đó, các tệ nạn xã hội như bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan, sách báo ngoài luồng, thuốc nam giả không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm, phản cảm cũng sẽ bị cấm và xử lý nghiêm khi phát hiện.
100% hộ kinh doanh, dịch vụ tham gia tập huấn về Luật Di sản văn hóa, thực hiện ký cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, thực hiện niêm yết công khai giá và số điện thoại, ký cam kết không chèo kéo, đeo bám du khách… Trong những ngày đông khách có kế hoạch phân luồng giao thông, phối hợp xử lý triệt để các đối tượng đi đón khách từ xa.
Ngoài ra, Ban tổ chức lễ hội sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm mọi biểu hiện tiêu cực như: tranh giành dẫn trốn lậu các loại vé gây thất thoát ngân sách Nhà nước; những trường hợp vòi thêm tiền, gây phiền hà cho khách, người đổi tiền lẻ, bán hương hoa gây mất trật tự nơi công cộng; người vi phạm luật di sản văn hóa, bày đặt nơi thờ tự trái phép.
Lễ hội cướp phết Hiền Quan “vỡ trận”. |
Lễ hội đền Sóc năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 30/1 đến 1/2/2020 (tức ngày 6 đến 8 tháng Giêng năm Canh Tý). Lễ hội tiếp tục duy trì nghi lễ truyền thống nhưng có những đổi mới trong cách tổ chức là: Không tổ chức lễ rước giò hoa tre và trầu cau xuống đền Hạ, đền Mẫu; bỏ tục tán lộc. Sau khi làm lễ xong, lễ vật sẽ được đưa vào đền Thượng và tổ chức phát lộc cho du khách theo sự kiểm soát của Ban tổ chức.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy, chống ùn tắc giao thông. Tổ chức tuyên truyền để người dân và du khách tham gia lễ hội một cách văn minh, nghiêm cấm và xử lý nghiêm các hình thức mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình…
Lễ hội “tạp nham”, nhưng trách nhiệm chẳng thuộc về ai
Mùa lễ hội 2019, Nghị định 110 về Quản lý và tổ chức lễ hội đi vào đời sống. Chính phủ đã quy định rất rõ trách nhiệm của các ngành, từ công an, y tế, giao thông cho đến văn hóa, thông tin và truyền thông… Trong các hoạt động đó, các ngành phải chủ động để xây dựng kế hoạch, để tăng cường công tác quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ở lĩnh vực của mình theo quy định tại Nghị định.
Lễ Mật bị quay phim như phim 18+. |
Nhằm tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020 và các năm tiếp theo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai một số nhiệm vụ: Thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về lễ hội theo quy định của Chính phủ.
Phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với sở, ban, ngành trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn, đảm bảo lễ hội được tiến hành trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chệnh lệch diễn ra trong lễ hội...
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực Trung ương chỉ đạo cơ quan, ban, ngành, địa phương chủ động tổ chức thực hiện, đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, văn minh.
Thực hiện chỉ đạo, TP. Hà Nội vừa thông báo số điện thoại tiếp nhận và xử lý các thông tin về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020 là: 0869.295538.
Các địa phương có những hình thức mới về việc hạn chế những hình ảnh lộn xộn, phản cảm tại lễ hội.
Ví như các tiểu ban có danh sách, phân công con người đến từng điểm di tích, có niêm yết số điện thoại, nên khi thanh tra, kiểm tra hoặc người dân đi hội thấy có tình hình gì chưa đúng đều có thể gọi điện đến các thành viên của các tiểu ban phụ trách khu vực đó.
Đối với việc đặt tiền công đức, tiền lễ không đúng quy định cũng sẽ bị nhắc nhở.
Lực lượng chức năng cũng kiểm tra chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ.
Tại văn bản đó, có nhấn mạnh nhiều nội dung trong đó có nội dung: các địa phương không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội;
Không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Nghị định của Chính phủ đã phân cấp quản lý rất rõ ràng. Nếu các địa phương có lễ hội không có giải pháp khắc phục tiêu cực, tiếp tục để xảy ra các hiện tượng phản cảm khiến dư luận xã hội lên án thì lãnh đạo địa phương sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
Đã nhiều năm, các vị lãnh đạo tỉnh, ban, ngành, Ban tổ chức đều hứa hẹn sẽ “dẹp loạn” trong mùa lễ hội nhưng thực tế thì bao cảnh hỗn loạn, “chặt chém”, bạo lực vẫn xảy ra.
Các nhà nghiên cứu văn hóa, dư luận bất bình, nhưng các nhà quản lý vẫn không phải chịu bất kỳ trách nhiệm, kỷ luật nào. Và mỗi mùa lễ hội, công việc của họ là hứa sẽ cố gắng để lễ hội “sạch” hơn.
Không có chế tài xử phạt cho Ban tổ chức, cộng thêm sự thiếu ý thức của những khách thập phương, liệu câu chuyện tại mùa lễ hội Canh Tý có giống như những mùa lễ hội trước?
TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ:
“Người ta chỉ có thể thực hiện cuộc sống yên lành, tốt đẹp bằng nâng cao nhận thức và hành động đúng. Buôn thần bán thánh là việc làm của người lợi dụng đức tin, khó khăn trắc trở của con người trong cuộc sống để kiếm ăn, xưa đã có nay vẫn còn.
Tuy nhiên, trong xã hội khoa học và tiến bộ, những hoạt động lạm dụng không vì nét đẹp văn hóa đó cần được nhận diện và loại trừ. Nhiều chuyên gia văn hóa nêu ý kiến, đối với hoạt động cúng sao giải hạn tràn lan, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên có sự lên tiếng mạnh mẽ và chính thức để tuyên truyền cho phật tử hiểu, đồng thời kêu gọi các cơ sở thờ tự không tiếp tục tiến hành hoạt động này.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội:
“Trên địa bàn Hà Nội, mỗi năm có trên 1.700 lễ hội, trong đó, nhiều lễ hội tập trung lượng người rất lớn. Việc hàng ngàn, hàng vạn người cùng đổ về một địa điểm sẽ khiến công tác tổ chức, quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm... đều rất phức tạp. Năm nào cũng thế, công tác quản lý, tổ chức lễ hội đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các địa phương, triển khai từ nửa cuối năm.
Vài năm gần đây, việc quản lý được phân cấp và giao trách nhiệm rõ ràng. Nếu là an ninh trật tự, giao thông, phòng cháy chữa cháy thì lực lượng Công an chịu trách nhiệm. An toàn vệ sinh thực phẩm là bên y tế... Nhưng, không ai dám chắc chắn là sẽ không xảy ra sự cố hay phát sinh gì.
Chúng tôi không dám khẳng định việc quản lý, tổ chức lễ hội năm 2020 sẽ tốt đẹp mà chỉ có thể nói, chúng tôi sẽ nỗ lực, cố gắng để hoạt động này năm nay tiến bộ hơn năm trước...”.
Ông Phan Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông (Phú Thọ):
“UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hiền Quan xây dựng kế hoạch, đề án đổi mới phần đánh phết. Nhưng từ năm 2016-2019, nội dung này vẫn liên tục bị “vỡ trận” mặc dù đã có nhiều phương án được đưa ra. Cảnh tượng hỗn loạn, chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau gây phản cảm, mất an ninh trật tự, vi phạm quy định tại Nghị định 110 vẫn diễn ra.
Mặc dù trong các phương án xây dựng cũng đã có nhiều nội dung được thay đổi, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh nhưng do phần đánh phết là một nội dung đã ăn sâu vào tiềm thức của cộng đồng nên khi quả phết được đưa ra, chỉ sau khoảng 20-30 phút là nhân dân và du khách lại ùa vào tranh cướp, dẫn đến cảnh hỗn loạn, phản cảm.
Mặc dù rất mong muốn có được một phương án lý tưởng để tổ chức một mùa lễ hội êm ả nhưng với thực tế hiện nay, lãnh đạo huyện Tam Nông thừa nhận vẫn chưa chốt được phương án cuối cùng.
Khả năng lại tiếp tục “vỡ trận” khi đánh phết cũng là một tình huống mà các nhà quản lý không thể không nghĩ đến nếu vẫn chưa có được một giải pháp mang tính bước ngoặt. Chính quyền địa phương vẫn tiếp tục bàn thảo với cộng đồng để tìm giải pháp tổ chức lễ hội năm 2020”.