Sở Công Thương Hà Nội đã phân loại doanh nghiệp tham gia để áp dụng các hình thức khuyến mãi cụ thể. Theo đó, đơn vị nào trong quá trình thực hiện có sự gian lận sẽ bị đình chỉ khuyến mãi và phạt 30 triệu đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức xử phạt theo quy định này vẫn quá nhẹ, không đủ sức răn đe các hành vi gian lận.“Giơ cao” nhưng... “đánh khẽ” Ông Phạm Đức Tiến, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết trong tháng khuyến mãi tới, các đoàn kiểm tra, kiểm sát sẽ căn cứ theo quy định để tiến hành kiểm tra chặt chẽ, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo luật định. Tuy nhiên, theo Nghị định số 107/2008/NĐ-Cp (NĐ107) của Chính phủ ban hành ngày 22/9/2008 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại thì các mức xử phạt vẫn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Ví như vi phạm về kê khai đăng ký giá hàng hóa dịch vụ chỉ phạt từ 3 triệu – 10 triệu đồng; Vi phạm quy định về niêm yết giá chỉ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng – 30 triệu đồng; Gian lận đo lường, đóng gói hàng hóa và chất lượng hàng hóa, dịch vụ: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng – 15 triệu đồng tùy vào giá trị của hàng hóa, dịch vụ.
Các sản phẩm điện tử nằm trong nhóm các mặt hàng thường xuyên có chương trình khuyến mại. (Ảnh: Chí Cường) |
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, mức xử phạt theo luật định vẫn nhẹ. Chẳng hạn như ở TPHCM, trong tháng khuyến mãi phát hiện vi phạm là thực hiện đình chỉ ngay không cho khuyến mãi nữa, nhưng ở Hà Nội thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà có hình thức xử phạt khác nhau như có thể là nhắc nhở, cảnh cáo, cuối cùng mới đến đình chỉ. Theo ông Phú, do quy định về mức xử phạt nhẹ nên chỉ cần vi phạm một lần là đình chỉ ngay, phải thực hiện kiên quyết thì mới làm gương được cho các đơn vị khác. TP HCM thực hiện đợt khuyến mãi tháng 10 vừa qua với 1.600 điểm khuyến mãi thì có đến 562 điểm kiểm tra phát hiện vi phạm và thực hiện đình chỉ ngay, nghĩa là 1/3 số đơn vị tham gia vi phạm. Điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn xem thường mức phạt do chưa đủ sức răn đe. Cần áp dụng những mức xử phạt nặng như rút đăng ký kinh doanh, đình chỉ kinh doanh, mới khiến doanh nghiệp “rợn gáy”. Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, phải kiểm tra gắt gao, nâng cao trách nhiệm, tính tự giác và kỷ luật thép của các giám đốc thương mại vì với 1.100 điểm khuyến mãi thì Sở Công Thương cũng như Quản lý thị trường không đủ lực lượng để đi kiểm tra một cách sát sao được. Có năm sau khi thực hiện xong tháng khuyến mãi chỉ có 32% đơn vị sau khi tham gia khuyến mãi báo cáo lại với Sở Công Thương, như vậy là ý thức tổ chức kỷ luật rất kém.Khó tin giảm tới 50% giá bán Theo quy định của Sở Công Thương Hà Nội thì 20 đơn vị tham gia “điểm Vàng” sẽ phải giảm giá từ 20- 50% cho khoảng 20% mặt hàng trên tổng số hàng đang kinh doanh. Tuy nhiên, mức khuyến mãi “khủng” này lại rất ít người tin. Anh Trần Đình Bá, phố Vũ Thạnh, quận Đống Đa, Hà Nội thẳng thắn: “Tôi không tin lắm vào mức khuyến mãi lớn dù nghe có vẻ sướng tai. Ông cha ta có câu: “Của rẻ là của ôi”. Nếu là đồ điện tử, điện lạnh thì thường là model cũ, đã lỗi mốt; đồ khô, lương thực thực phẩm thì hạn sử dụng còn rất có hạn”. Cùng chung quan điểm, bà Đinh Thị Lý, khu tập thể Văn Công, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng tâm sự: “Tháng khuyến mãi, tất nhiên tôi sẽ đến các siêu thị, trung tâm thương mại nhiều hơn nhưng không phải để săn hàng giá sốc. Vì tôi nghĩ những món đồ đó không còn hợp thời. Tôi chỉ cần mua được những món mình cần mà thực sự giảm giá với mức giảm khoảng 10- 15%”. Không chỉ lo ngại của người dân, một chuyên gia giàu kinh nghiệm thương mại và có thâm niên lăn lộn với siêu thị như ông Vũ Vinh Phú cũng chia sẻ: “Tôi là người đầu tiên mở siêu thị tại Hà Nội, nhưng rất khó tin với mức khuyến mãi khủng 50%, thậm chí có đơn vị nói sẽ khuyến mãi tới trên 50%. Nếu có mức khuyến mãi đó thì chắc là quả táo đã bị héo, hoặc hàng lỗi mốt, hàng có vấn đề. Hoặc có 50% thì chỉ có vài chiếc “nhử mồi”. Tôi quan tâm đến chất lượng khuyến mãi, thái độ thực hiện. Tôi chỉ cần khuyến mãi ở mức 15% nhưng là khuyến mãi thực sự”. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, khuyến mãi này không phải khuyến mãi cho Thủ đô mà khuyến mãi cho đất nước, cho thương hiệu, cho khách nước ngoài còn đến. Nghĩa là nên phối hợp với ngành du lịch, hàng không để thực hiện khuyến mãi có hiệu quả. Đã trải qua 3 lần khuyến mãi nhưng chưa có năm nào thật sự tạo được ấn tượng với khách nước ngoài. Bên cạnh nỗi lo gian lận trong khuyến mãi, đó cũng thực sự là điều đáng để các nhà tổ chức suy ngẫm.
Sẽ có 22 “điểm Vàng” khuyến mãi
Sáng 26/10, Sở Công Thương Hà Nội đã công bố kế hoạch tháng khuyến mại Hà Nội. Theo đó, từ 1/11 đến ngày 31/11/2010, tại Hà Nội sẽ có đến 1.100 điểm khuyến mãi của gần 300 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hàng tiêu dùng, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn, cửa hàng chuyên doanh… sẽ giảm giá từ 15% trở lên của ít nhất trên một phần ba các mặt hàng đang kinh doanh. Các mặt hàng, dịch vụ tham gia tháng khuyến mãi Hà Nội 11/2010 gồm: Thực phẩm - đồ uống; Thời trang - dệt may - giày dép; Điện tử - điện máy - đồ gia dụng, nội thất; Bưu chính; Du lịch; Siêu thị, trung tâm thương mại; Dịch vụ làm đẹp và các dịch vụ khác. Đợt này, sẽ có 22 “điểm Vàng” của 17 doanh nghiệp được phân bố đều trong các quận, huyện. Công Tâm
|
Theo Mai Hạnh
Gia đình & Xã hội
Gia đình & Xã hội