Mùa đông - Mùa chia sẻ yêu thương

Một nhóm từ thiện tại TP Hồ Chí Minh trao áo ấm cho trẻ em vùng cao. (Ảnh: BV)
Một nhóm từ thiện tại TP Hồ Chí Minh trao áo ấm cho trẻ em vùng cao. (Ảnh: BV)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mùa đông được coi là mùa của rét buốt và lạnh lẽo. Nhưng đó đây, mùa đông ấm lên bởi những tấm lòng ấm áp, bởi tình người, bởi sự yêu thương được sẻ chia.

Những tấm lòng ấm áp

Từ đầu mùa đông đến nay, các bạn trẻ ở Câu lạc bộ Hương Lam (TP Đà Nẵng) và dự án Nụ cười nhân ái đã trao tặng áo ấm cho hơn 7.000 trẻ em vùng sâu, vùng xa. Các tình nguyện viên của Câu lạc bộ đã trao gửi hơn 7.000 chiếc áo ấm cho trẻ em từ 2 đến 16 tuổi. Ngoài ra, còn có các phần quà bánh kẹo sữa gửi đến em nhỏ ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Không chỉ ở Đà Nẵng, thời điểm này, các bạn trẻ ở nhiều địa phương khác đã có những hoạt động hết sức ý nghĩa để mùa đông thêm ấm áp. Tại Quảng Ngãi, CLB thiện nguyện Đồng Tâm Mộ Đức đã vượt chặng đường hơn 50km để đến thôn Làng Mâm, xã Ba Bích (Ba Tơ) tổ chức Chương trình “Áo ấm vùng cao” năm 2023, tặng gần 100 suất quà, với tổng trị giá gần 20 triệu đồng cho người già và trẻ em.

Cũng tại Quảng Ngãi, CLB tình nguyện Hải Âu Xanh Đoàn xã Bình Thạnh (Bình Sơn) đã tổ chức những chương trình thiện nguyện hướng đến thông điệp “Bạn ấm - tôi ấm - mọi người ấm”, như cắt tóc, tặng những suất ăn ngon và 120 suất quà, với tổng trị giá 20 triệu đồng cho trẻ em tại thôn Trà Liên, xã Hương Trà (Trà Bồng).

Ở Lâm Đồng, huyện miền núi Bảo Lâm, Đoàn Thanh niên xã Lộc Nam và một nhóm bạn trẻ thiện nguyện đã Chương trình “Áo ấm vùng cao” năm 2023 trao tặng quà, xe đạp cho học sinh nghèo, trẻ em khó khăn đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình đã vận động, trao tặng 220 phần quà gồm áo ấm, balô, dép, sữa và các loại bánh kẹo cho các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại Trường Mầm non Lộc Nam và Trường Tiểu học Lộc Nam; đồng thời, trao tặng 5 chiếc xe đạp cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Tại Hòa Bình, Câu lạc bộ Thiện nguyện Hòa Bình vừa tổ chức Chương trình “Đông ấm vùng cao” năm 2023, tại xóm Tân Thủy, xã Tân Thành (Mai Châu). Câu lạc bộ Thiện nguyện Hòa Bình đã trao tặng hơn 120 áo khoác ấm, 20 chăn ấm, 6 thùng sữa, thạch, cùng hơn 2 tấn quần áo cho bà con và trẻ em của xóm Tân Thủy. Ngoài ra, Câu lạc bộ đã tặng 1 triệu đồng cho 1 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tổng giá trị quà tặng của chương trình hơn 15 triệu đồng...

“Đông ấm vùng cao” là một cái tên chương trình được dùng rất nhiều trong thời gian này. Các tỉnh miền núi như Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang... đều có những hoạt động thiện nguyện trao áo ấm, chăn ấm, vật phẩm và thực phẩm hỗ trợ cho người nghèo. Chương trình do các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm thực hiện.

Nhiều kiện đồ ấm mùa đông, những thực phẩm và số tiền hữu ích đã được trao đến tay những người cần, khiến mùa đông thêm “ấm” ở cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Khắp nơi, Chương trình “Tình nguyện mùa đông” đã và đang được khởi động. Nhiều địa phương đã tổ chức ra quân tình nguyện với nhiều chương trình hay, thiết thực, ý nghĩa.

Cạnh đó, những tổ chức xã hội, cá nhân có tấm lòng hảo tâm chính là những người đang đóng góp tích cực nhất cho cộng đồng trong mùa đông này. Chị Lê Nguyễn Hà An, trưởng nhóm “Phượt thiện nguyện” cho biết, nhóm của chị gồm 30 thành viên, là những người đam mê phượt ở nhiều tỉnh, thành như TP Hồ Chí Minh, Long An, Cần Thơ, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã hẹn nhau thực hiện một chuyến lên Hà Giang chơi vào thời điểm đầu tháng 1/2024 bằng xe máy.

Chuyến đi này không chỉ là đi chơi, mà còn kết hợp với hoạt động thiện nguyện cho trẻ em nghèo miền núi trong tỉnh. Cả nhóm đã quyên góp được 1.000 chiếc áo ấm, 1.000 đôi bao tay, 1.000 đôi tất, cùng với số tiền 200 triệu đồng sẽ được quy ra thành bánh, kẹo, sữa... để trao cho các em nhỏ. “Nhóm mình đang tiến hành phân loại, đóng gói các món đồ, thuê xe tải và lên lộ trình để chuyển số hàng này đến các em nhỏ vùng cao, mong các em có một mùa đông ấm áp”, chị Hà An chia sẻ.

Trên mạng xã hội, nhiều hội, nhóm cũng đăng tải những lời kêu gọi quyên góp quần áo cũ, tiền bạc, vật phẩm để gửi đến người dân miền núi. Những hagtag #đôngấmvùngcao, #mùađôngkhônglạnh, #áoấmchoem đang được lan tỏa rộng rãi, như một minh chứng rằng, dẫu mùa đông có lạnh thì tình người vẫn ấm và trên đất nước Việt Nam luôn có những con người đang nỗ lực để không ai bị “bỏ quên” giữa mùa đông lạnh giá.

Mùa chia sẻ yêu thương

TP Hồ Chí Minh là thành phố không có mùa đông. Ngay cả giữa những ngày lạnh giá khắp nơi, thành phố phương Nam chỉ hơi se se lạnh đủ để dịu mát lòng người. Nhưng sự thuận lợi, dễ chịu của khí hậu không làm người dân thành phố quên đi những mảnh đời khó khăn cần nâng đỡ.

Những ngày này, tại TP Hồ Chí Minh, đi dọc những con phố khuya, sẽ thấy có những người trẻ đi xe máy thành từng đoàn nhỏ trao những món ăn khuya như cơm, cháo, bánh mì hay bánh bao nóng hổi cho những người lao động nghèo, bán xe đẩy, ve chai, hàng rong hay nhân viên vệ sinh môi trường. Đó là một trong khá nhiều nhóm bạn trẻ TP đang dùng những khoảng thời gian lẽ ra là vui chơi để làm những công việc ý nghĩa cho cộng đồng.

Bạn trẻ Phan Thanh Huyền Như (25 tuổi), sống tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nhóm em có 6 bạn, là đồng nghiệp làm chung một công ty về công nghệ. Tụi em thường gặp nhau vào buổi tối để đi ăn, đi dạo, uống cà phê. Nhưng thời gian này tụi em nhận thấy về khuya thành phố se lạnh, mà những người lao động nghèo vẫn phải làm lụng vất vả, nên tụi em đã dùng tiền túi và quyên góp từ đồng nghiệp công ty để mua những món ăn tối “bồi dưỡng” cho các cô chú. Tụi em đã thực hiện hoạt động này được hai tuần, vào mỗi tối thứ Sáu và thứ Bảy, trao món ăn cho gần 100 cô chú. Trong quá trình thực hiện chương trình, thi thoảng tụi em cũng gặp nhiều anh chị của các nhóm khác cũng đang có những hoạt động tương tự tụi em, thấy rất vui”.

Câu lạc bộ Hương Lam (TP Đà Nẵng) và dự án Nụ cười nhân ái trao tặng áo ấm cho trẻ em vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: Quốc Huy).

Câu lạc bộ Hương Lam (TP Đà Nẵng) và dự án Nụ cười nhân ái trao tặng áo ấm cho trẻ em vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: Quốc Huy).

Hay như nhóm từ thiện Hành trình Xanh ở TP Hồ Chí Minh do bạn Hồ Như (36 tuổi) làm trưởng nhóm. Nhóm đã hoạt động được 3 năm. Mùa đông năm nay, Hồ Như quyết định vận động tiền để đến các khu chế xuất, trao áo ấm, quà bánh cho con các công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Nhóm còn vận động được rất nhiều quần áo cũ, kết nối với các nhóm từ thiện tại vùng cao để trao tặng cho các em nghèo.

Hồ Như cho biết: “Nhóm mình chỉ là một trong rất nhiều nhóm từ thiện hoạt động tự phát ở TP Hồ Chí Minh. Hầu như mọi người hoạt động từ thiện bằng cách tự đóng góp tiền cá nhân, quyên góp từ bạn bè, đồng nghiệp. Có nhiều hoạt động thời gian qua các nhóm đã thực hiện ở TP Hồ Chí Minh như đóng vai ông già Noel phát quà cho trẻ em nghèo, đến các mái ấm, nhà mở để tặng quà, dành một buổi đến trò chuyện, chơi với các cụ già tại nhà tình thương, tự đan đồ ấm gửi cho người dân vùng lạnh... Chúng mình thực hiện các hoạt động này không vì cái gì khác ngoài niềm vui được sẻ chia, được cho đi, được thấy ánh mắt lấp lánh, nụ cười trên môi những người khó khăn được nhận quà”.

Thời điểm này, TP Hồ Chí Minh cũng đang cấp tập thực hiện những chương trình thiện nguyện xã hội, hướng đến một mùa Tết nghĩa tình, ấm no. Từ UBND TP Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động, các hội, đoàn thể, tổ chức sinh viên đều đã và đang có những chương trình thiết thực để hướng đến nhiều mảnh đời khó khăn trong cuộc sống: lao động nghèo, công nhân, sinh viên nghèo, các em nhỏ mồ côi, người lang thang cơ nhỡ, người neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn...

Có thể thấy, hoạt động thiện nguyện, san sẻ yêu thương đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống Nhân dân khắp nơi. Trong cuộc sống đang xô bồ, ồn ã, trong thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn và trong những ngày tháng đông lạnh giá, thì những tấm lòng ấy chính là ngọn lửa ấm áp, sưởi ấm trái tim con người, khơi lên niềm tin bất diệt về tình yêu thương.

Tin cùng chuyên mục

Cà Mau: Tôm thẻ chết sớm nghi mắc bệnh mờ đục trên ấu trùng

Cà Mau: Tôm thẻ chết sớm nghi mắc bệnh mờ đục trên ấu trùng

(PLVN) - Ông Châu Công Bằng - Phó Giám Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau vừa cho biết, qua rà soát các hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng nghi ngờ tôm chết do mắc bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm (TPD).

Đọc thêm

Những người phụ nữ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Bức ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bà con Nhân dân vùng căn cứ cách mạng Mường Phăng và chụp ảnh với cụ Lù Thị Đôi (giữa) ngày 19/4/2004”. (Nguồn: BTPNVN).
(PLVN) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của bản lĩnh, ý chí và trí tuệ Việt Nam. Làm nên chiến thắng lịch sử ấy có sự đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ. Nhiều bức ảnh, hiện vật mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang lưu giữ đã minh chứng cho điều ấy.

Chỉ đạo 'nóng' khắc phục sụt lún đất tại Bạc Liêu

Chỉ đạo 'nóng' khắc phục sụt lún đất tại Bạc Liêu
(PLVN) - Ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt và thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng sụt lún đất trên địa bàn.