Khi tiểu thương không cho người mua tích trữ
Ngay từ đầu mùa dịch, từ khi có thông tin về sự lây lan của Covid-19, đã có không ít người hoang mang lo lắng dẫn đến tình trạng tích trữ thực phẩm. Tại nhiều quốc gia, việc tích trữ gây ra sự thiếu thốn lương thực, nguy hại không kém dịch bệnh.
Tại TP HCM, thời gian qua người ta cũng chứng kiến một làn sóng tích trữ không nhỏ. Những tin đồn như người dân không được ra khỏi nhà, phong tỏa toàn thành phố, thiếu lương thực,… đã góp phần làm tình trạng ấy tăng nặng. UBND TP HCM đã có những tin nhắn gửi khuyến cáo người dân rằng thành phố cung cấp đủ lương thực, người dân không nên tích trữ.
Đó đây vẫn có tình trạng gian thương tung tin giả để đẩy nhanh sức mua. Tuy nhiên, cạnh đó, có nhiều tiểu thương đã chung sức để giúp người dân hiểu rằng tích trữ càng khiến tình hình thêm xấu đi. Chị Nguyễn Đỗ Hương phường Linh Trung quận Thủ Đức kể: “Tuần trước tôi quyết định đi mua 100 kí gạo vì sợ hãi thiếu lương thực. Tuy nhiên, khi đến cửa hàng mua thì anh Long, chủ cửa hàng Trung Long ở khu vực Linh Trung, bảo anh sẽ không bán cho tôi 100 kí gạo vì như thế là nhiều, quá nhu cầu, không cần thiết, nếu ai cũng mua như thế thì sẽ dẫn tới cháy hàng, cửa hàng không đủ gạo cung cấp cho mọi người. Anh Long khuyên tôi chỉ lấy 20 kí, khi nào hết thì mua tiếp, nhờ thế, tôi hiểu ra được vấn đề và chỉ mua hợp lý số thực phẩm cần dùng”.
Thông điệp không tích trữ cũng được nhiều tiểu thương tại TP HCM lan tỏa trên mạng xã hội, chị Lê Thị Phương, chủ tiệm tạp hóa khu vực Hạnh Thông Tây chia sẻ: “Chị em tiểu thương chúng tôi mong mọi người mua đủ ăn, chúng tôi không bán vô tội vạ chỉ để nhận lợi nhuận”.
Tại Đà Nẵng, nhiều hành động đẹp của tiểu thương đã được lan tỏa trong cộng đồng. Như trường hợp của bà Bùi Thị Hồng 67 tuổi, chủ tiệm gạo Hồng trên đường Nguyễn Lương Bằng. Bà Hồng viết một tấm bảng để trước cửa hàng như sau: “Gạo Hồng khuyến cáo: - 1. Đất nước Việt Nam ta không thiếu gạo, do vậy mỗi gia đình nên mua vừa đủ lượng gạo để dùng như thường ngày, không nên dự trữ quá nhiều dẫn đến việc lo lắng quá mức để ảnh hưởng đến tình hình chung. - 2. Cam kết bán đúng giá, đảm bảo đủ số lượng cung cấp để góp phần ổn định thị trường. Trân trọng cảm ơn!”
Chị Thuận, tiểu thương Đà Nẵng với tấm bảng không tích trữ |
Một tiểu thương khác ở Đà Nẵng là bà Nguyễn Thị Ngọc Thuận ở quận Thanh Khê đã treo tấm bảng ngay trước cửa hàng: “Không mua gạo để tích trữ, Việt Nam không thiếu gạo”.
Khi được hỏi, bà Thuận cho biết: “Theo tôi, mọi người xúm vào mua gạo, mua nhiều vô tội vạ thì sẽ hết gạo cho tất cả mọi người và như vậy cũng góp phần làm tăng giá gạo lên cao. Nhiều gia đình mua nhiều hơn sức ăn của mình sẽ gây ra tình trạng tồn đọng, khiến cho gạo mất chất, ăn không ngon nữa, trong khi nhiều gia đình lại thiếu gạo. Chị em tiểu thương chúng tôi thống nhất khuyến cáo mọi người không tích trữ” .
Những hành động của tiểu thương nói trên rõ ràng không vì hướng đến lợi nhuận, họ đã chung tay với nhà nước, chung tay với cộng đồng để ngăn chặn tình trạng tích trữ, đem lại sự giao thương một cách ổn định, đồng thời củng cố tinh thần của người dân, giúp người dân hiểu ra vấn đề, góp phần giúp người dân bình tĩnh sống.
Mình còn trẻ ngại gì hoãn cưới
Thông thường, thời điểm sau tết cũng là lúc những đám cưới vui vẻ diễn ra khắp mọi nơi trên cả nước. Tuy nhiên, dịch bệnh lan tràn, nhiều bạn trẻ đã phải quyết định tạm hoãn đám cưới như một động thái văn minh nhằm tránh lây lan vi-rút trong cộng đồng.
Đáng lẽ ra cuối tháng này là đám cưới của chị Lê Ngân Hạnh, một nhân viên kế toán của một công ty nước ngoài tại đường Nguyễn Hữu Cầu, quận 1, TP HCM, thiệp đã được gửi đi hết các nơi, bàn cũng đã đặt, hai anh chị háo hức chờ đợi đám cưới mấy tháng nay, tuy nhiên, đến sát ngày cưới họ có chút suy nghĩ lại bởi số ca dương tính đang tăng nhanh trong cộng đồng và được nghe những khuyến cáo về việc không nên tụ tập đán đông hay tổ chức các đám tiệc.
Người nhà cả hai bên đều cho rằng vẫn nên cưới vì gia đình đều chuẩn bị tinh thần để đi ăn cỗ cưới, và với người lớn thì việc hoãn cưới là điều không may mắn cho lắm. Nhưng chị Hạnh và chồng sắp cưới cuối cùng đã đưa ra quyết định tạm hoãn đám cưới.
Họ đã thỏa thuận với nhà hàng, mỗi bên chịu thiệt thòi một phần để không tạo thêm áp lực cho cơ quan y tế vào mùa này. Thời điểm đáng lẽ ra sẽ diễn ra đám cưới, cả hai quyết định cùng nhau đến cơ quan Tư pháp để đăng ký kết hôn và về cùng nấu một bữa ăn mừng ngày cùng nhau về chung một nhà, đối với họ đó là một đám cưới rất ý nghĩa.
Cán bộ quân y Lê Văn Đức thông báo hoãn cưới con trai trong mùa dịch |
Một câu chuyện khác khiến cho cộng đồng khá ngưỡng mộ, đó là chuyện về ông Lê Văn Đức, cán bộ quân y đồn biên phòng Sa Trầm ở tỉnh Quảng Trị, vào giữa tháng ba, gia đình, bạn bè hết sức bất ngờ khi ông Đức đăng thông báo hoãn tiệc cưới của con trai là anh Lê Trần Khánh Đạt, 27 tuổi.
Đáng ra, đám cưới sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng 3 nhưng vì tình hình dịch còn nhiều diễn biến phức tạp nên ông Đức đã quyết định cùng gia đình hoãn đám cưới dù cho có nhiều lời ra tiếng vào, hành động này khiến cho cộng đồng rất ủng hộ và nhiều lời comment chúc phúc chân thành đã được viết trên facebook của ông.
Việc nhiều đám cưới được hoãn trong mùa dịch đã trở thành câu chuyện thường thấy. Thay cho tâm thế bực dọc, khó chịu, thậm chí tổ chức liều ở thời điểm trước, thì giờ đây, nhiều bạn trẻ càng chủ động hơn trong việc dừng cưới, hoãn cưới để chia sẻ lo toan cùng cộng đồng. Đó là những hành động rất đẹp, rất đáng yêu, nó chứng tỏ tinh thần chung tay của người dân cùng chống dịch.
Lan tỏa những thông điệp hữu ích
Thời điểm mới chớm dịch chúng ta có thể thấy được nhiều trạng thái tâm lý của người dân, từ sợ hãi, hoang mang, lo âu, rồi những tranh luận về việc bình tĩnh sống hay không, thậm chí cả những chuyện về việc có nên cách ly hay không cũng được mang ra mổ xẻ, bàn tán.
Nhưng cho đến thời điểm này đã thấy được sự đồng lòng, cùng chung tay, chung tinh thần chống dịch của người dân với Chính phủ. Điều đó được thể hiện qua những thông tin lan truyền trên mạng xã hội đầy tích cực thời gian qua.
Những ngày gần đây, hình ảnh hot nhất, được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội có lẽ là hình ảnh của những người lính bộ đội cụ Hồ, những cán bộ, tình nguyện viên khu vực cách ly. Giấc ngủ không tròn, sự mệt mỏi hay cả những nụ cười, những hình ảnh vất vả của họ được chia sẻ trên mạng xã hội, để rồi từ đó, những thông điệp cảm ơn được lan tỏa khắp nơi.
Không thể đong đếm được biết bao lời cảm ơn dành cho những con người đã hy sinh miếng ăn, giấc ngủ, sự vất vả của bản thân để cho những người cách ly được thoải mái, dễ chịu và cũng để cho cả cộng đồng yên tâm khi hoạt động cách ly đã được diễn ra rất tốt đẹp.
Mạng xã hội cũng ghi nhận những cư dân mạng từ trước đến nay vốn nhiều ý kiến trái chiều, nhiều nỗi bực dọc, khó chịu, thậm chí cả chửi bới, nhưng giờ đây đã chung tay đưa ra nhiều thông điệp hết sức tích cực.
Những hình vẽ tuyên truyền do chính các bạn trẻ làm nghề thiết kế vẽ bằng hoạt hình để tuyên truyền cho việc sử dụng khẩu trang đúng cách, việc cách ly chủ động, hay về thái độ sống trong mùa dịch đầy thú vị nhanh chóng được người dân tiếp nhận.
Sự chung tay lan tỏa những thông điệp tích cực đến từ tất cả mọi người dân, mọi tầng lớp, mọi nghề nghiệp, như các bác sĩ ở bệnh viện Nhi đồng TP HCM, dù vất vả gấp bội phần trong mùa dịch nhưng vẫn cùng nhau thực hiện bộ ảnh để tuyên truyền cho người dân nên hạn chế ra đường tụ tập đông người nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Tấm bảng “Chúng tôi phải đi làm vì bạn/ Nên bạn ở nhà vì chúng tôi” được các bác sĩ chụp tại bệnh viện Nhi đồng đã được cộng đồng chia sẻ một cách mạnh mẽ để rồi từ đó góp phần tăng cường ý thức của người dân, hạn chế ra đường khi không cần thiết.
Cũng trong tuần qua, cộng đồng mạng chia sẻ câu chuyện về một bà cụ lao công. Bà cụ này đã được một số người kinh doanh đặt hàng thu gom khẩu trang y tế cũ với giá tốt để họ tái sử dụng và bán ra thị trường. Không những từ chối lời đề nghị ấy, mỗi lần đi thu gom rác thải và bắt gặp khẩu trang y tế cũ, cụ đều lấy kéo cắt vụn ra để tránh tình trạng khẩu trang bị tái chế.
Câu chuyện và hình ảnh về bà cụ đã khiến cho cộng đồng mạng cảm động, càng giúp cho ý thức cộng đồng nâng cao hơn. Nhiều người chia sẻ từ câu chuyện của bà cụ, họ đã có ý thức hơn về việc xả rác thải khẩu trang y tế, nhiều người cho biết sau khi sử dụng đã cắt đôi khẩu trang của mình như một hành động chống lại gian thương thu gom khẩu trang cũ, gây hại cho cộng đồng.
Rất nhiều, rất nhiều những hình ảnh đáng yêu quanh ta vào mùa đại dịch lan tràn. Nhưng câu chuyện ấy đã góp phần làm nên một nếp sống thật đẹp, một tinh thần đầy tích cực và nhân ái. Chỉ có thể, người ta mới dìu nhau qua được nguy nan.