MTTQ Việt Nam kiến nghị khắc phục tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
(PLVN) - Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng chống, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức… đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, “giữ an toàn quá mức cần thiết”, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.

Sáng nay (9/5), Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 17, khoá IX, nhằm cho ý kiến vào nội dung Đề án tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 (Đề án tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam); cho ý kiến vào nội dung báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV…

Có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân

Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, tinh thần chung của Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp lần này là tiếp tục làm sâu sắc thêm vị trí, vai trò, tầm quan trọng của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị; đánh giá đúng đắn kết quả đã đạt được, chỉ rõ hạn chế nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời, xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, yêu cầu cần đạt được trong nhiệm kỳ tới.

Cùng với đó, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam; hiệp thương thống nhất cử Ủy ban, Ban Thường trực, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch theo hướng nâng cao chất lượng, có cơ cấu hợp lý, mở rộng được các Ủy viên đại diện cho các giai cấp, giai tầng trong xã hội có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết, có uy tín cao, đủ sức tập hợp, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đề cập đến dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trình tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhắc tới 5 nhóm vấn đề được chắt lọc, lựa chọn từ kết quả tổng hợp các báo cáo liên quan đến tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri và nhân dân như: tâm tư, nguyện vọng chung của cử tri và Nhân dân; tình hình phát triển kinh tế; các vấn đề xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài và công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

Đối với kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh tới 3 nội dung kiến nghị với Đảng và Nhà nước.

Thứ nhất là chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động; tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân.

Thứ hai là chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ và có phản hồi ý kiến góp ý của cử tri và Nhân dân, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày Tờ trình nội dung xin ý kiến đại biểu tham dự hội nghị.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày Tờ trình nội dung xin ý kiến đại biểu tham dự hội nghị.

Thứ ba là chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng chống, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, “giữ an toàn quá mức cần thiết”, không dám giải quyết công việc, trì trệ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của Nhân dân.

Nâng cao chất lượng tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân

Góp ý tại hội nghị, ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trước Quốc hội để báo cáo của Mặt trận ngày càng lan tỏa, nhận được sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân, từ đó khẳng định vai trò đại diện của MTTQ Việt Nam với nhân dân.

Đặc biệt, trong báo cáo kiến nghị cử tri và Nhân dân, cần có nội dung nêu lại những ý kiến, kiến nghị của Đoàn Chủ tịch ở kỳ họp trước đến kỳ họp này đã làm được việc gì, và chưa làm được gì. Có như vậy mới tăng được trách nhiệm của Mặt trận đối với Quốc hội.

Đối với Đề án tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam, ông Lê Truyền đề nghị cần đưa vấn đề dân chủ vào chủ đề Đại hội. Bác Hồ từng căn dặn, không có dân chủ thực sự thì không có đoàn kết thực sự. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng nêu rõ, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, trong đó MTTQ Việt Nam phát huy vai trò nòng cốt chính trị để bảo đảm Nhân dân làm chủ.

Ông Lê Truyền đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Ông Lê Truyền đóng góp ý kiến tại hội nghị.

“Quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam đều nhắc đến vấn đề dân chủ. Trong giai đoạn hiện nay, MTTQ phải đề cao vai trò của Mặt trận trong phát huy dân chủ, gắn với đoàn kết, đổi mới; có như vậy sẽ giải quyết được những vấn đề liên quan đến đổi mới tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, ông Lê Truyền nói.

Cho rằng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân cần tăng tính giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị những kiến nghị nêu trong báo cáo cần phải đề cập đến những vấn đề được nhân dân và MTTQ các cấp quan tâm, trong đó nên có một số kiến nghị riêng liên quan đến đời sống văn hóa, giáo dục của nhân dân. Bởi phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng duy trì văn hóa và nòi giống dân tộc Việt Nam là việc làm rất quan trọng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, đồng thời nhất trí với việc bổ sung, làm rõ thêm nội dung tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với không gian mạng; bổ sung nội dung báo cáo về các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam từ kỳ họp trước đến kỳ họp này đã được giải quyết những nội dung nào. Ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, những góp ý này đã làm sâu sắc hơn nữa nội dung báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Về nhân sự Đại hội, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng nên cơ cấu theo hướng thiết thực, lựa chọn được những người có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết với công tác Mặt trận, có uy tín cao, đủ sức tập hợp, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. “Với tinh thần dân chủ, đồng thuận, cầu thị, việc tổ chức Đại hội phải thực sự có ý nghĩa chính trị, xã hội, tạo được sức lan tỏa và nâng tầm sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; hoan nghênh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) được chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần cố gắng để gắn việc đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN,TC với phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

Đọc thêm

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá
(PLVN) -  Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 tổ chức ngày 7/12 vừa qua, nhìn lại 11 tháng của năm 2024, cho thấy cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước đều phục hồi và phát triển tốt. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.